Cần chính sách đồng bộ để giữ đất lúa

Ngày 18-6, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về Dự thảo Nghị định Quy định về đất trồng lúa. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu với mục tiêu hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất với Luật Đất đai năm 2024 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Nghị định cần có thiết chế để bảo vệ, giữ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Trong bối cảnh hiện nay, người nông dân làm ăn rất chật vật, cần có nguồn quỹ để hỗ trợ cho người trồng lúa, đảm bảo bình ổn giá lúa cho nông dân. Cần làm rõ, đâu là vùng trồng lúa hiệu quả cao, hoàn thiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường… để phát triển bền vững. Việc chuyển đổi đất lúa cần có sự linh hoạt nhưng cũng phải căn cứ trên cơ sở khoa học để chọn cây, con cho phù hợp.

Cho ý kiến về quy định được phép xây dựng trên đất lúa

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa bao gồm 4 chương, 18 điều. Kết quả, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã nhận được 21 ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó có 17/21 ý kiến đồng ý toàn bộ đối với dự thảo của Nghị định. Có 4/21 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo Nghị định và có thêm các ý kiến khác liên quan đến các nội dung quy định về điều kiện xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; quy định bóc tách, sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa…

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa quy định tại một số điều của Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, nội dung được xây dựng công trình trên đất trồng lúa phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thu hút nhiều ý kiến đóng góp.

Theo nội dung dự thảo, việc xây dựng công trình trên đất lúa không được làm ảnh hưởng đến công năng sử dụng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, diện tích đất trồng lúa hiện đang sản xuất liền kề. Dự thảo cũng quy định cụ thể quy mô diện tích ở các khu vực trồng lúa khác nhau, với cá nhân, tổ chức đủ điều kiện sử dụng một phần diện tích trên đó để xây dựng một công trình. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa 0,01% tổng diện tích đất lúa hoặc đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không vượt quá 500m2...

Theo các đại biểu, đây là chính sách mới nhằm tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân có thể xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp và diện tích công trình xây dựng vẫn được tính là đất trồng lúa. Đây cũng là nội dung được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến để làm rõ hơn trong quy định về việc xây dựng, quản lý công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; hồ sơ, trình tự thẩm định cho phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thống nhất ý kiến về việc tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất lúa. Nhưng đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ, quy định cụ thể hơn nữa loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục thẩm định, thời hạn sử dụng công trình… trên đất trồng lúa để tránh tình trạng lạm dụng, đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra cũng như cách xử lý với những công trình không phù hợp.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, quy định xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp cần phải có tư duy mở như gắn với phục vụ du lịch, dịch vụ khác.

Hỗ trợ người trồng lúa

Dự thảo nghị định cũng đưa ra tiêu chí xác định vùng, khu vực đất trồng lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi như: thuộc vùng, khu vực đất chuyên trồng lúa; có hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng thuận lợi; có độ phì từ mức trung bình trở lên, môi trường sinh thái phù hợp với sinh trưởng phát triển cây lúa; đúng với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa là nội dung lớn trong dự thảo nghị định và cũng được nhiều ý kiến quan tâm, góp ý của các đại biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, câu chuyện giảm diện tích lúa, tăng năng suất để đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu là điều đang xảy ra. Thời gian tới, nhiều diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở đây phải có chính sách hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức trồng lúa. Để hình thành những cánh đồng mẫu lớn hiệu quả cần sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhất là đầu tư cho thủy lợi, hỗ trợ cải tạo đất trồng lúa…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, rất nhiều địa phương, nông dân trồng lúa ở các vùng lúa còn nghèo nhưng có vai trò rất quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ để người trồng lúa “sống được”, hạn chế chuyển đất lúa sang đất khác. Để bảo vệ đất trồng lúa, để nông dân trồng lúa có thu nhập tốt hơn, cần có chiến lược lâu dài. Ngoài những chích sách hỗ trợ cụ thể cho người trồng lúa, vùng trồng lúa thì có nhiều chính sách lớn hỗ trợ về đầu tư thủy lợi, hạ tầng, khoa học công nghệ… Song song với chính sách hỗ trợ này, cần quy định việc nộp tiền khi chuyển đổi đất lúa và đây cũng là nguồn để đầu tư cho khuyến nông, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng trồng lúa.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/can-chinh-sach-dong-bo-de-giu-dat-lua-067578b/