Cần chủ động giải pháp chống ùn tắc trước khi rào chắn đường
Sau khi nhà thầu thi công hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, tình trạng ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra nhất là trong giờ cao điểm.
Đường Lê Văn Lương sau khi rào chắn liên tục ùn tắc
Sáng 21/12, ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau khi nhà thầu thi công hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) tiến hành rào chắn 1/3 mặt đường Lê Văn Lương, các phương tiện lưu thông rất khó khăn, tình trạng ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra nhất là trong giờ cao điểm.
Cụ thể, lúc 8h tại ngã tư Tố Hữu - Khuất Duy Tiến, hàng nghìn phương tiện gồm cả xe máy, ô tô, xe buýt nhanh cùng lưu thông trên làn đường bị thu hẹp dẫn đến ùn tắc kéo dài khoảng 300m đến gần cầu vượt Láng. Nhiều phương tiện phải lách qua khe hẹp trên vỉa hè để tìm lối thoát.
Chị Vũ Thị Huyền thường xuyên đi qua tuyến đường này chia sẻ: “Do phải ưu tiên làn đường cho buýt BRT nên đường bị thu hẹp, chưa rào chắn khu vực này đã tắc suốt. Giờ rào chắn kéo dài hai năm để làm hầm chui, chắc chắn khu vực này sẽ là điểm đen ùn tắc nhất Thủ đô. Mỗi lần người tham gia giao thông lưu thông qua đây chắc sẽ là cực hình”.
Tìm hiểu của PV, những ngày qua lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu nhà thầu cử 4 người mỗi bên tại trung tâm nút giao khi thi công để phối hợp với TTGT, CSGT, hướng dẫn phân luồng phương tiện.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, từ sau khi Sở GTVT Hà Nội thông báo rào chắn đường Lê Văn Lương phục vụ thi công dự án hầm chui, Đội đã tăng cường lực lượng chốt trực.
Giờ cao điểm, ngoài hai chiến sỹ trực cố định, một tổ lưu động gồm 2 - 3 chiến sỹ cũng được phân công đến phối hợp điều tiết, phân luồng tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.
Ngoài ra, Đội CSGT số 7 cũng yêu cầu các tổ chốt trực tại các nút giao kế cận phối hợp điều tiết luồng phương tiện lưu thông trên đường Lê Văn Lương sang các trục đường song song như: Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi trong trường hợp nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến ùn tắc nghiêm trọng.
Cũng theo lãnh đạo Đội CSGT số 7, để phương tiện lưu thông thuận lợi sau rào chắn, bên cạnh việc xén dải phân cách, biển báo ưu tiên xe buýt BRT (khu vực thi công hầm chui) cũng đã được dỡ bỏ.
“Thời gian tới, Đội CSGT số 7 sẽ tiếp tục theo dõi. Nếu tình hình ùn tắc diễn biến phức tạp, Đội sẽ đề xuất cơ quan chức năng thực hiện tổ chức lại giao thông kết hợp điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu”, Trung tá Thắng cho biết.
Trước đó, ngày 2/10, TP. Hà Nội đã khởi công hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, dự kiến hoàn thành sau hai năm. Hầm chui có mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương, tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu hầm khoảng 475m. Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn.