Cần chú trọng khâu kiểm định định kỳ máy móc, thiết bị y tế

Với đặc thù của ngành Y tế nhiều chuyên ngành, thường xuyên sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều lý do nên khâu kiểm định định kỳ máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được các cơ sở y tế chú trọng.

Nhiều bệnh viện còn lơ là

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, do điều kiện đặc thù của ngành Y tế với mô hình tổ chức gồm nhiều khối: Khối khám chữa bệnh; khối y tế dự phòng; các Viện nghiên cứu; các trường đại học y, dược; khối sản xuất kinh doanh thuốc, vật tư y tế… nên máy móc, thiết bị, vật tư có rất nhiều chủng loại.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, do điều kiện đặc thù của ngành Y, sử dụng rất nhiều máy móc thiết bị, vật tư.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, do điều kiện đặc thù của ngành Y, sử dụng rất nhiều máy móc thiết bị, vật tư.

Trong đó, rất nhiều máy móc thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như: Nồi hấp, lò hơi, hệ thống khí nén, trung tâm oxy lỏng, các bình khí nén, nồi chưng cất, chiết suất, máy dập viên thuốc... các hóa chất phục vụ trong công tác xét nghiệm, kiểm định... nên đã có những tác động không nhỏ tới công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, phải kể đến áp lực công việc quá lớn, quá tải bệnh viện, nhiều bệnh lạ nguy hiểm mới xuất hiện, nạn bạo hành nhân viên y tế xảy ra tương đối phổ biến ở các bệnh viện từ trung ương tới địa phương, áp lực từ phía các cơ quan thông tin đại chúng, vì thế, lãnh đạo các đơn vị tập trung chủ yếu cho lĩnh vực chuyên môn, việc nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn rất hạn chế. Do đó, thời gian qua, việc tổ chức triển khai công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp của ngành Y tế còn rất khiêm tốn.

Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế, trong năm 2018, qua kiểm tra tại 36 bệnh viện, mới có 31 đơn vị thực hiện đúng quy định về kiểm định định kỳ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (đạt 86,1%); 13,9% bệnh viện chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động cho các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (nồi hấp áp lực, hệ thống đường dẫn khí y tế, bình khí nén, thang máy điện chở người, đồng hồ áp lực…) hoặc kiểm định đã hết hiêu lực (như ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Bệnh viện K).

Phần lớn các đồng hồ đo áp lực chưa được kiểm định định kỳ; nhiều bệnh viện, nồi hấp áp lực để tại khoa, phòng không được kiểm định định kỳ kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Theo báo cáo của các đơn vị, hiện có 1.501 máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đang được sử dụng, trong đó có 1.334 máy, thiết bị đã được kiểm định định kỳ đạt 88,9%; có 525 máy, thiết bị đã được khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động đạt 34,9%.

Về an toàn bức xạ, theo Cục Quản lý môi trường y tế, hầu hết khu vực làm việc có liên quan đến bức xạ thường xuyên được đo, kiểm tra môi trường; các phòng đặt các thiết bị phát xạ được thiết kế, xây dựng theo quy định; về cơ bản, hàng năm máy móc, thiết bị được kiểm định và kiểm chuẩn; nhân viên bức xạ được tập huấn về an toàn bức xạ, được cấp liều xạ kế cá nhân.

Tuy nhiên, qua kiểm tra tại 36 bệnh viện, mới có 22 đơn vị thực hiện đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 9/6/2014 của Bộ Khoa học công nghệ - Bộ Y tế); còn 38,9% bệnh viện chưa thực hiện tốt công tác an toàn đối với thiết bị bức xạ tại khoa chẩn đoán hình ảnh, như: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Da liễu Trung ương...).

Các lỗi chủ yếu của các bệnh viện trên là chưa có kế hoạch ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ; một số nhân viên bức xạ không được tập huấn về an toàn bức xạ; biển cảnh báo bức xạ, đèn cảnh báo bức xạ không đúng quy định; chưa có hồ sơ lưu tại Khoa Xquang phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra; tại thời điểm kiểm tra một số nhân viên bức xạ không có liều xạ kế cá nhân; một số phòng chụp Xquang cửa không đảm bảo an toàn...

Người lao động phải được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động

Trước những tồn tại trên, Cục Quản lý môi trường y tế thẳng thắn nhìn nhận: Hiện, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ quan quản lý Nhà nước chưa được thường xuyên, chưa thật sâu sát.

 Để đảm bảo sức khỏe cho lao động ngành Y, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị các cơ sở y tế cần đẩy mạnh huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Để đảm bảo sức khỏe cho lao động ngành Y, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị các cơ sở y tế cần đẩy mạnh huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho hoạt động an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị không được bố trí trong ngân sách Nhà nước cấp, nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ nhưng hoạt động an toàn, vệ sinh lao động không được tính vào giá viện phí mà hoạt động an toàn lao động, vệ sinh lao động lại sử dụng rất nhiều kinh phí. Do đó, các đơn vị không thể tổ chức thực hiện được đầy đủ các yêu cầu về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được.

Theo đó, thời gian tới, để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, y bác sĩ ngành Y, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị các cơ sở y tế cần đẩy mạnh huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đối với những người lao động vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, sử dụng các hóa chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động (theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ).

Đối với các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (như: Lò hơi, nồi hấp, bình khí nén, trung tâm khí nén, trung tâm ôxy, thang máy, vận thăng nâng hàng...), phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ, đảm bảo an toàn mới được sử dụng (theo hướng dẫn tại Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Đặc biệt, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị các cơ sở y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung nội quy làm việc an toàn tại các nơi có yếu tố nguy cơ cao; xây dựng và ban hành các quy trình vận hành máy móc thiết bị… qua đó đảm bảo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Diệp Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-chu-trong-khau-kiem-dinh-dinh-ky-may-moc-thiet-bi-y-te-93456.html