Cần chuẩn bị gì khi mua nhà di động?
Nhà di động là một khái niệm mới trong ngành thiết kế, được mô tả là một căn nhà diện tích nhỏ, chỉ khoảng 12 m2 chứa đầy đủ tiện nghi cần thiết.
Mô hình nhà này có thể dễ dàng tháo ráp và vận chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Hiện mô hình nhà di động đang được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội nên nhận được sự quan tâm của nhiều người vì khá tiện dụng cho các resort, homestay. Tuy nhiên, khi mua nhà này để sử dụng người dân cần lưu ý một số vấn đề, tránh để rơi vào tình trạng vô tình vi phạm các quy định về xây dựng.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, chủ một đơn vị cung cấp nhà di động, cho biết việc lựa chọn vị trí lắp đặt ngôi nhà là rất quan trọng. Loại nhà này có hai phương pháp lắp đặt là cẩu nguyên căn hoặc lắp ráp tại chỗ. Tùy địa hình mỗi nơi sẽ chọn phương án cẩu nhà nguyên khối hay lắp ráp từng bộ phận. Nếu địa hình tốt, mặt bằng rộng xe cẩu có thể vào được thì dùng phương án cẩu, nếu là đồi núi đường hẹp thì vận chuyển từng bộ phận tháo rời đến lắp.
“Người mua cần chuẩn bị sẵn phần móng theo đúng bản vẽ được cung cấp. Với tải trọng tương đối nhẹ việc thi công phần móng cũng khá dễ dàng. Ngoài ra, người mua cần phải chuẩn bị hệ thống cấp thoát nước, hầm tự hoại làm theo cách thông thường như cho một căn nhà cấp bốn” - ông Toàn cho biết thêm.
Chủ nhà nên lựa chọn nhà sản xuất có uy tín trên thị trường. Vì đặc thù là nhà di động nên cần xem xét kỹ về tính kết cấu cũng như chất liệu sử dụng của đơn vị sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ vật liệu như gỗ, kính… sẽ đảm bảo tuổi thọ ngôi nhà được bền chắc, an toàn hơn khi sử dụng.
Khi bàn giao và thanh lý hợp đồng, người mua phải chắc chắn rằng căn nhà được chuyển vào đúng vị trí. Kiểm tra hệ thống điện, nước đã đấu nối, thiết bị vệ sinh có rò rỉ nước hay không. Nội thất có sắp xếp đúng vị trí được thiết kế chưa. Căn nhà cần phải được bảo trì ba năm một lần nhằm đảm bảo độ bền của kết cấu và vật liệu.
Những ngôi nhà di động này dù được đánh giá là nhỏ, gọn, tiện lợi nhưng về mặt pháp lý vẫn còn lấn cấn, nhất là khâu xin giấy phép. Theo ông Tống Đức Tiến, Trưởng Phòng cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 định nghĩa: Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành từ sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình được liên kết định vị với đất… Nhà ở di động là một tài sản. Nếu trường hợp loại nhà ở này di chuyển thì là một động sản. Tuy nhiên, nếu loại hình nhà này gắn với đất thì lại là bất động sản. Muốn gắn chặt với đất thì cần phải phù hợp theo quy định pháp luật về đất đai. Chính vì thế, loại hình nhà này nếu được liên kết định vị với đất thì cũng cần xin phép xây dựng theo quy định.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/can-chuan-bi-gi-khi-mua-nha-di-dong-853334.html