Cần chung tay bảo vệ môi trường
Ý thức người dân kém dù đã nhắc nhở và triển khai nhiều chiến dịch tổng vệ sinh môi trường nhưng chỉ được vài ngày, đâu vào đó.
Cần chung tay bảo vệ môi trường
Phải thừa nhận, Tuy Phong là một trong những địa bàn ven biển còn nhiều rừng dương ven biển chống xói lở, che chắn gió bảo vệ ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi trở về. Trong khi những nơi khác như Tiến Thành, TP. Phan Thiết đã bị phá bỏ để bê tông hóa án ngữ tầm nhìn vẻ đẹp của biển, bởi những dự án địa ốc, du lịch khiến ai cũng nuối tiếc.
Theo ông Phạm Thanh Bình -Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh: “Tháng nào xã cũng tổ chức lực lượng Đoàn thanh niên, học sinh thậm chí cả bộ đội, công an ra quân dọn dẹp, nhưng cứ dọn dẹp xong là đâu cũng vào đó. Nhất là vào ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần, du khách mang theo đồ ăn, thức uống vào những rừng dương ven biển, ăn uống xả đầy rác, mặc dù UBND xã đặt sẵn bao đựng rác dưới gốc dương”.
Không chỉ nhếch nhác ở khu dân cư, tuyến đường ven biển mà ngay cả khu du lịch tâm linh chùa Cổ Thạch. Ngoài rác thì các nhà hàng, nhà trọ xả cả nước thải sinh hoạt sau khi rửa chén bát, đồ ăn thức uống ra đường. Chị Ng. T. L - một cư dân sống trên tuyến đường phía sau chùa Cổ Thạch nói: “Ở đây ai cũng bức xúc, hết kiến nghị với địa phương rồi đề nghị với các chủ nhà trọ, nhà nghỉ nhưng đâu vào đó; mùi hôi, tanh của cá, mắm chịu không nổi”.
Không cần những hộ dân ở đây thanh minh nỗi bức xúc của mình, chỉ cần dạo một vòng những tuyến đường không tên đủ hiểu. Nước thải sinh hoạt từ phía sau các nhà trọ, nhà nghỉ đổ thẳng ra đường (nhà 2 mặt tiền, mặt trước hướng chùa Cổ Thạch và mặt sau sinh hoạt gia đình nấu ăn uống xả thải). Tuyến đường nhựa đẹp thẳng tắp đóng rong rêu, các hộ sống phía sau đối diện “lãnh đủ” tất cả những gì phía trước thải ra. Cảnh người xả, người quét dọn, cứ vậy diễn ra gây nên những va chạm giữa hàng xóm với nhau liên tục. “Chúng tôi hết muốn nói! Cô là nhà báo, cô giúp chúng tôi”, một số hộ dân thấy tôi cầm máy ảnh ghi lại những tấm hình làm bằng chứng, nói vậy.
Tại bãi tắm Cổ Thạch, những tảng đá lớn trên bãi tắm ngả màu sạm đen vì dầu mỡ của đồ ăn thức uống từ các nhà hàng trên đường chảy xuống. Một thợ chụp ảnh chia sẻ, du khách đến đây người ta nói nhiều việc xả thải này, nhưng không thay đổi.
Trao đổi vấn đề với Ban Quản lý Du lịch Bình Thạnh, ông Phạm Quốc Linh - bảo vệ an ninh khu du lịch Cổ Thạch cho biết, dù đã tuyên truyền nhiều để bà con ý thức, nhưng ý thức của họ kém. Hiện ban cũng đang làm biển cắm đề nghị người dân bỏ rác đúng nơi quy định hoặc cấm xả rác... đặt ở nhiều nơi, hy vọng sẽ cải thiện tình hình.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người, ai cũng có ý thức thì môi trường sẽ sạch. Hình ảnh những em học sinh, bộ đội, công an đi nhặt từng vật dụng nhựa, bị nilon, trong các chiến dịch vệ sinh môi trường do địa phương tổ chức thật ái ngại. Cần lắm nhiều người đặt mình vào hoàn cảnh đó để ý thức hơn vấn đề chung tay bảo vệ môi trường. Nếu ai đó không ý thức được thì cần phải xử lý cứng rắn hơn, bảo vệ môi trường trong sạch cho người dân và du khách.
Theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng chỗ quy định nơi công cộng bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng chỗ quy định nơi công cộng bị phạt 3 - 5 triệu đồng; vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị bị phạt 5 - 7 triệu đồng.
Lê Ninh
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/can-chung-tay-bao-ve-moi-truong-129731.html