Cần có biện pháp bảo vệ thương hiệu nổi tiếng
Mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) rất rộng, biểu hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, ở nhiều chủng loại mặt hàng và hành vi vi phạm ngày càng tinh vi… Điều này bắt buộc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn để bảo vệ những thương hiệu nổi tiếng - những thương hiệu thường được lựa chọn để làm nhái.
Xâm phạm nhãn hàng hóa ngày càng nhiều
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Bộ Công Thương xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm hàng giả, hàng hóa vi phạm SHTT với tổng số tiền xử phạt hơn 28,5 tỷ đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý 51 đơn yêu cầu xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt 75,8 tỷ đồng…
Các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến như: buôn bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền SHTT trên môi trường mạng, nhiều vụ việc diễn ra theo hình thức xuyên biên giới; những vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, nhái nhãn hiệu; vi phạm liên quan đến tên miền, quốc gia; vi phạm về tên thương mại, tên doanh nghiệp; Trong đó, xâm phạm về quyền sở hữu đối với nhãn hàng hóa khá phổ biến.
Đáng chú ý đến 95% các vụ việc xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đã có một số vụ việc làm giả hàng hóa nổi tiếng đã bị truy tố; đối tượng sản xuất hàng giả đã phải nhận án cải tạo không giam giữ như TAND huyện Thuận An (Bình Dương) đã ra phán quyết với người sản xuất hàng giả phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng với mức phạt 01 (một) năm cải tạo không giam giữ.
Gần đây nhất, TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đưa ra xét xử vụ án hình sự liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là vụ án đầu tiên có bị cáo là pháp nhân thương mại, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thương hiệu nổi tiếng.
Đó là vụ án xét xử bị can Lê Đình Trung (56 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM). Cả 2 đối tượng cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ Luật hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu “BIA SAIGON” và “BIA SAIGON, hình con rồng” đang được bảo hộ và đủ điều kiện coi là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO.
Cố ý sản xuất hàng nhái thương hiệu nổi tiếng
Cần phải nhấn mạnh, Bia Sài Gòn là một thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, có lịch sử 148 năm chinh phục thị trường với nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng. Có thể nói biểu tượng nhãn màu xanh với hình ảnh con rồng bay lên đã khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam. Đây là nhãn hiệu đã được đăng ký sở hữu bởi Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (SABECO), với thị phần trên 40% thị trường Việt Nam. Bà Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên môn Quản trị Thương hiệu ở một số trường đại học chia sẻ, thật sự chưa có khái niệm rõ ràng về thương hiệu nổi tiếng nhưng nếu xét trên những tiêu chí về độ nhận diện thương hiệu, thị phần chiếm lĩnh và bề dày trên thị trường của Bia Sài Gòn thì không thể phủ nhận đây thực sự là một nhãn hiệu nổi tiếng.
Bên cạnh đó, ông Lê Đình Trung - vốn đã từng là một nhân viên của SABECO, chắc chắn đã nắm rõ hình ảnh các sản phẩm và kiểu dáng, nhãn hiệu của từng sản phẩm. Việc ông này đăng ký nhãn hiệu Bia SAIGON VIETNAM với hình ảnh gần như tương tự sản phẩm Bia Sài Gòn của SABECO không thể nói là không cố ý.
Bởi nếu chỉ nhìn hình ảnh 2 sản phẩm này, người tiêu dùng nếu không để ý kỹ có thể bị nhầm lẫn 2 sản phẩm là một. Điều này có thể khiến doanh thu và thị phần của bia Sài Gòn ảnh hưởng nghiêm trọng. Người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng vì mất quyền lợi được sử dụng hàng chính hãng. Nguy hiểm hơn là có thể sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cần có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp cố tình giả mạo
Quay trở lại với vụ án hình sự liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, nếu sự việc bị can Lê Đình Trung và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất Bia SAIGON VIETNAM không bị phát hiện và xử lý, sẽ có hàng chục nghìn thùng bia được đưa ra thị trường. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả mạo này vì “mất cảnh giác”.
Chưa kể, nếu người tiêu dùng “uống nhầm” Bia SAIGON VIETNAM vài lần, hoàn toàn có thể cho rằng, bia Sài Gòn đã không còn giữ được hương vị, men bia như trước. Điều này sẽ khiến cho bia Sài Gòn bị ảnh hưởng trầm trọng đến doanh thu, thương hiệu. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp cố tình giả mạo nêu trên.
Bà Nhung cũng cho biết, thực tế, trong điều kiện bình thường, nhiều người tiêu dùng sẽ không quá cầu kỳ xem xét đến nhãn hiệu mình sử dụng nếu chưa có những cảnh báo từ chủ thể sở hữu thương hiệu. Họ chỉ nhìn qua nhãn hiệu và nhận thấy đúng như hình ảnh mình thường thấy thì lựa chọn. Do đó, cần phải loại trừ yếu tố gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng trên nhãn hiệu hàng hóa đăng ký mới, nhất là trong trường hợp nhãn hiệu bia Sài Gòn đã trở nên thông dụng, phổ biến và nổi tiếng.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nhung cho rằng, trước tiên, các chủ thể thương hiệu cần phải có những cảnh báo về việc xuất hiện hàng giả mạo, hàng nhái để người tiêu dùng lưu ý và lựa chọn được những sản phẩm đúng nguồn gốc, chính hãng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có những kênh thông tin để người tiêu dùng phân biệt hàng thật - hàng giả; Đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm soát thị trường, để những sản phẩm giả mạo, sản phẩm nhái và sản phẩm kém chất lượng không có cơ hội lưu thông trên thị trường.
Đáng chú ý, bà Nhung cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ những nhãn hiệu nổi tiếng, cũng đồng thời là bảo vệ người tiêu dùng, nền sản xuất của Việt Nam.