Cần có biện pháp xử lý chó thả rông

Tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm trong công viên, ngoài đường phố… vẫn diễn ra, gây bất an cho người dân. Vấn nạn này dù không ít lần được chính quyền các cấp nhắc nhở, dư luận xã hội phản đối, đặc biệt trong tình hình TP. Mỹ Tho xây dựng đô thị văn minh như hiện nay, nhưng việc chó thả rông vẫn tồn tại, mà chưa có biện pháp xử lý.

NGƯỜI DÂN BỨC XÚC

“Tình trạng nuôi chó thả rông trên địa bàn TP. Mỹ Tho hiện nay có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong nội ô. Vấn đề này phải nhìn nhận thẳng thắn với nhau rằng, chó cưng của mình thì mình cưng chứ không phải người xung quanh ai cũng cưng.

Chó của mình nuôi thì mình gìn giữ, bảo quản trong nhà, đừng để phiền hà đến hàng xóm và có rất nhiều người bức xúc với vấn nạn chó thả rông” - đây là sự bày tỏ chung của nhiều người khi nói về vấn nạn chó thả rông.

Chó thả rông tại khu vực bờ kè sông Tiền.

Chó thả rông tại khu vực bờ kè sông Tiền.

Trong các khu dân cư, công viên, rất dễ thấy những con chó được thả rông mà mõm không rọ lại, thậm chí còn không xích giữ chó, với lý do chủ của những con chó này đang đi dạo. Và không khó để bắt gặp vào mỗi sáng sớm hoặc chiều tối, tại các khu dân cư, các con chó cưng được chủ thả ra để đi “phóng uế”. Nếu những con chó “phóng uế” tại khu vực nhà chủ nuôi thì không có gì để nói, đằng này các con chó tha hồ ra đường, sang nhà hàng xóm… để “phóng uế” bừa bãi khiến người dân trong các khu dân cư rất bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Nhặn, Trưởng khu phố 6, phường 1, TP. Mỹ Tho cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng chó thả rông trên địa bàn có chiều hướng gia tăng trở lại, nhiều nhất là ở Công viên Tết Mậu Thân, khu vực bờ kè sông Tiền (đường Hoàng Sa thuộc phường 4, phường 6), Công viên Lạc Hồng, khu đô thị Vincom; đường Lê Đại Hành (phường 1), thậm chí ở các cổng trường học…

Tình trạng này làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm đến người đi đường, nhất là các em học sinh đến giờ tan trường. Thiết nghĩ, chủ nuôi chó cần quản lý tốt hơn chó nuôi của mình; đồng thời, các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý vấn nạn chó thả rông”.

Ông Lưu Hoàng (phường 7, TP. Mỹ Tho) cũng bày tỏ sự bức xúc: “Hiện nay, chó thả rông, “phóng uế” bừa bãi vẫn diễn ra trên đường phố, khắp các con hẻm, khu dân cư, công viên… Vấn nạn này, ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, còn có thể gây tai nạn cho người đi đường. Do đó, tôi đề nghị các ngành chức năng cần có giải pháp xử lý vấn nạn chó thả rông”.

CẦN CÓ BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây của Tổ HĐND khu phố 5, phường 1, TP. Mỹ Tho, sau khi nghe cử tri phản ảnh về việc chó thả rông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 1 Hồ Văn Bá có ý kiến chỉ đạo: “Tuy chưa có chủ trương của tỉnh Tiền Giang và TP. Mỹ Tho trong xử lý chó thả rông nhưng trước mắt các khu phố phải tổ chức điều tra số hộ nuôi chó, tuyên truyền, vận động người dân (người có nuôi chó) quản lý không thả rông chó, trong đó cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu khu phố phải gương mẫu thực hiện và vận động người thân chấp hành.

Chó thả rông không rọ mõm xuất hiện trên khu đô thị Vincom, đường Lê Đại Hành, phường 1, TP. Mỹ Tho.

Chó thả rông không rọ mõm xuất hiện trên khu đô thị Vincom, đường Lê Đại Hành, phường 1, TP. Mỹ Tho.

Vấn đề xử phạt, kết hợp máy ảnh, camera giám sát về môi trường, an ninh trật tự, đồng thời giám sát luôn vấn nạn chó thả rông..., chế tài xử lý đã có, vấn đề chỉ là từng lúc, từng nơi cán bộ đã đủ kiên quyết hay chưa?”.

Đồng chí Hồ Văn Bá cho rằng: “Thật ra, quy định, quy chế và thậm chí chế tài xử lý vi phạm đều có và trước đây TP. Mỹ Tho có cả đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi, các phường của thành phố cũng chưa bắt được nhiều chó thả rông, bởi việc đuổi bắt những con chó thả rông (thú cưng) là vấn đề nhạy cảm, không dễ dàng gì bắt được những con chó này”.

Hiện tại, ở các phường của TP. Mỹ Tho đã được trang bị khá nhiều camera giám sát an ninh trật tự. Không chỉ đặt camera cố định, ngành chức năng còn bố trí thêm các camera lưu động ở những nơi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm. Từ những camera này có thể giám sát được vấn nạn chó thả rông và “phóng uế” bừa bãi.

Chó thả rông trên đường Ấp Bắc, phường 4, TP Mỹ Tho.

Chó thả rông trên đường Ấp Bắc, phường 4, TP Mỹ Tho.

Từ những bằng chứng có được, các ngành chức năng đều có thể xác minh và làm việc với chủ hộ nuôi chó. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực để làm giảm, hoặc hết hẳn tình trạng chó thả rông ở các khu vực đô thị như hiện nay.

Bên cạnh tuyên truyền thì xử phạt nghiêm minh với vấn nạn chó thả rông rất cần thực hiện nhằm nâng cao ý thức người dân. Đô thị Mỹ Tho ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại không thể chấp nhận chuyện chó thả rông và “phóng uế” bừa bãi.

Đã đến lúc không thể cứ mãi xuê xoa hoặc “bó tay”, làm ngơ để tình trạng chó thả rông không rọ mõm, không có biện pháp an toàn… gây nên những hệ lụy nguy hiểm đáng tiếc mà không có biện pháp quản lý hiệu quả, cứng rắn và mạnh hơn từ cơ quan chức năng.

Thiết nghĩ, chế tài xử lý vi phạm đã được quy định rõ, việc giám sát và xử lý bằng hình ảnh cũng đã có chủ trương, vấn đề ở đây là sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương trong xử lý chó thả rông như thế nào để TP. Mỹ Tho thật sự là một đô thị văn minh, an toàn, đặc biệt là thành phố có môi trường du lịch tốt trong tương lai.

LÊ HỒNG LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202407/can-co-bien-phap-xu-ly-cho-tha-rong-1015643/