Cần có các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 5024, ngày 20/6/2024, trong đó yêu cầu thủ trưởng và những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế qua kết quả thẩm định, đánh giá công tác cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Lâm Đồng năm 2023 do Bộ Nội vụ chủ trì công bố.

Nhiều người dân đã thực hiện hồ sơ qua mạng điện tử khi đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa TP Đà Lạt

Nhiều người dân đã thực hiện hồ sơ qua mạng điện tử khi đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa TP Đà Lạt

NHỮNG YÊU CẦU

Kế hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo công bố, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của Lâm Đồng năm 2023 đạt 86,02/100 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố, giảm 31 hạng so với năm 2022 (năm 2022 đạt 86,72 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Lâm Đồng năm 2023 đạt 80,38%, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố (giữ nguyên thứ hạng so với năm 2022).

Kế hoạch ban hành nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết số 76, ngày 15/7/2021 của Chính phủ trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 14, ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2260, ngày 8/9/2021 của UBND tỉnh trong Kế hoạch thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ số CCHC năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần xác định nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các Chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; tính hiệu quả, đồng bộ trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh; nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; phấn đấu cải thiện, nâng vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu trong thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số CCHC cần gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC năm 2024 trên địa bàn, cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Cụ thể, người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng.

Cần xác định rõ việc cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành; trong đó, các cơ quan được giao chủ trì các lĩnh vực liên quan giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện.

Các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số CCHC gắn với Kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua “Đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng việc đề xuất, đăng ký áp dụng và đánh giá tác động nhằm nhân rộng những giải pháp, sáng kiến, cách làm sáng tạo trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

VÀ CÁC GIẢI PHÁP

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng - người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế qua kết quả thẩm định, đánh giá công tác CCHC tỉnh Lâm Đồng năm 2023 do Bộ Nội vụ chủ trì công bố. Ban chỉ đạo CCHC các sở, ngành, Ban Chỉ đạo CCHC và Chuyển đổi số UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, Chỉ số CCHC, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và các năm tiếp theo.

UBND tỉnh yêu cầu giám đốc - thủ trưởng các sở, ban, ngành; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc; giám đốc - thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế và thực hiện các nhiệm vụ. Định kỳ cần báo cáo kết quả thực hiện, thống kê số liệu liên quan gửi UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để tổng hợp.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp trực theo dõi, đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nội dung trong công tác cải cách thể chế của tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cần theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác cải cách TTHC, thực hiện một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh theo các chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Sở Tài chính dịp này cần trực tiếp theo dõi, đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nội dung trong công tác Cải cách tài chính công của tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông cần đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nội dung trong công tác chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nội dung trong lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Riêng Sở Nội vụ cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14, ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; cụ thể hóa, hoàn thành 100% các nhiệm vụ được đề ra tại kế hoạch CCHC năm 2024 và các năm tiếp theo đồng thời, trực tiếp đôn đốc, triển khai có hiệu quả các nội dung trong công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh nếu có nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202407/can-co-cac-bien-phap-khac-phuc-nhung-ton-tai-han-che-trong-cai-cach-hanh-chinh-a231318/