Cần cơ chế cho loạt dự án bất động sản ở Đồng Nai

Từ năm 2015-2023, Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư 136 dự án bất động sản (BĐS) nhà ở thương mại. Tuy nhiên, hiện mới có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, số còn lại chưa hoặc đang triển khai.

Đoàn giám sát của Quốc hội đi thực tế Dự án Khu đô thị Aqua City tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC

Đoàn giám sát của Quốc hội đi thực tế Dự án Khu đô thị Aqua City tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC

Mới đây, UBND tỉnh kiến nghị cần có quy định, hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, quy hoạch cho các dự án được tiếp tục triển khai.

Vướng chủ trương đầu tư, quy hoạch

Theo đánh giá của tỉnh, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đều tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư… Tuy nhiên, do các yếu tố như: pháp luật qua từng thời kỳ thay đổi, công tác giải phóng mặt bằng chậm, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư gặp vấn đề, thị trường BĐS đóng băng nên dự án kéo dài, phải điều chỉnh chủ trương và gia hạn tiến độ.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Thành Phương cho rằng, về pháp lý, một số dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đến thời điểm hiện tại, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư là UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, do văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây không ghi cụ thể tên nhà đầu tư, quy mô, tiến độ, tổng mức đầu tư... cho nên UBND tỉnh chưa có cơ sở để điều chỉnh. Cũng liên quan đến pháp lý, các dự án khu dân cư được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai do vướng mặt bằng, năng lực nhà đầu tư có hạn, pháp luật chưa quy định cụ thể thủ tục và điều kiện thu hồi.

Giai đoạn từ năm 2015-2023, tỉnh cấp chủ trương đầu tư 136 dự án BĐS thương mại. Trong đó, tập trung vào năm 2018 với khoảng 41 dự án, năm 2019 là 36 dự án, năm 2020 là 33 dự án.

Về quy hoạch, một số dự án thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo tính pháp lý nhưng qua các lần điều chỉnh quy hoạch chung, lập và điều chỉnh quy hoạch phân khu lại bị “vênh” quy hoạch.

Giám đốc Điều hành Dự án Khu đô thị Aqua City (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Trọng Tấn cho biết, thời điểm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova nhận chuyển nhượng, dự án đã được chấp thuận chủ trương, được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, cho thuê đất. Sau đó, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa vào tháng 7-2014 và Quy hoạch Phân khu C4 được phê duyệt vào tháng 9-2016 lại chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án được phê duyệt trước đó, dẫn đến không đồng bộ các cấp độ quy hoạch và phải tạm ngưng xây dựng, kinh doanh.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova mong muốn các đơn vị liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc để dự án này và một số dự án khác tại Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tiếp tục được triển khai.

Không hợp thức hóa sai phạm

Thời gian qua, Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp đồng bộ. Qua đó, một số vướng mắc đã được tháo gỡ, nhưng nhiều tồn tại vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn, các luật và nghị định mới có hiệu lực mới có thể tháo gỡ.

Thi công xây dựng tại Dự án Khu đô thị Aqua City, thành phố Biên Hòa.

Thi công xây dựng tại Dự án Khu đô thị Aqua City, thành phố Biên Hòa.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, mới đây Bộ Xây dựng đã hướng dẫn thực hiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là tiền đề để hoàn thiện hồ sơ, sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt Đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, cũng như tiếp tục triển khai các dự án, trong đó có Dự án Aqua City.

Đối với huyện Nhơn Trạch, hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã trình Bộ Xây dựng, tỉnh cũng đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2045. Các địa phương có nhiều dự án như: Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh cũng đang hoàn thiện các hồ sơ đồ án quy hoạch, lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã có các giải pháp quy hoạch, thu hút, phát triển các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, do các vướng mắc, tồn tại nói trên nên sản phẩm nhà ở chưa nhiều. Tỉnh và các nhà đầu tư kỳ vọng các luật liên quan trực tiếp đến thị trường BĐS (Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023) có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 sẽ tháo gỡ cơ bản các tồn tại.

Trong các dự án BĐS chưa và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, có khoảng 80 dự án chưa giao đất.

Tỉnh cũng kiến nghị đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng linh hoạt trong điều chỉnh các quy định, nhất là điều chỉnh quy hoạch cục bộ để gỡ vướng cho dự án BĐS, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội, đánh giá các nhóm vướng mắc của các dự án BĐS Đồng Nai đang gặp phải là: pháp lý, hướng dẫn thực hiện quy định; quy hoạch; giao đất, cho thuê đất; triển khai hạ tầng xã hội… Những vướng mắc trên sẽ được báo cáo Quốc hội để có hướng tháo gỡ kịp thời nhằm khôi phục thị trường BĐS. Ông Cường cũng yêu cầu tỉnh khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để khi các luật liên quan đến BĐS có hiệu lực sẽ áp dụng được ngay. Đối với các vướng mắc cá biệt thì xin ý kiến HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tháo gỡ trên tinh thần vì lợi ích chung, không hợp thức hóa vi phạm.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/can-co-che-cho-loat-du-an-bat-dong-san-o-dong-nai-8746756/