Cần cơ chế đặc thù cho từng nguồn vốn huy động phát triển đô thị sinh thái

Nhấn mạnh vốn là yếu tố tiên quyết và cơ chế, chính sách về huy động vốn là 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt trong các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ đầu tư, phát triển mô hình đô thị sinh thái, tại Hội thảo khoa học 'Những vấn đề lý luận về đô thị sinh thái và cơ chế tài chính bảo đảm cho sự phát triển đô thị sinh thái', các đại biểu đề nghị, cần có cơ chế đặc thù cho từng nguồn vốn huy động.

Thiếu chính sách thuế thúc đẩy hình thành đô thị sinh thái

Tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài “Hoàn thiện cơ chế tài chính, chính sách thuế nhằm phát triển mô hình đô thị sinh thái ở Việt Nam” tổ chức, các đại biểu nêu rõ, đô thị sinh thái là một hình mẫu đô thị lý tưởng và là mục tiêu hướng tới của các đô thị, nhất là các khu đô thị, các thành phố mới không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.

Theo đại diện trường Đại học Xây dựng Hà Nội, TS. KTS. Phạm Tuấn Anh, hiện nay, nước ta mới chỉ hình thành được các đô thị theo hướng sinh thái. Trong đó, có thể kể đến khu đô thị mới Ecopark (Hưng Yên). Đây được cho là một trong những khu đô thị đạt được nhiều yếu tố của đô thị sinh thái bởi mật độ cây xanh và mặt nước lớn của đô thị này. Khu đô thị Ecopark có tổng diện tích khoảng 500 ha, được quy hoạch với hơn 20% diện tích là mặt nước và cây xanh, tỷ lệ xây dựng là 21%.

Nhiều đô thị trên cả nước đã và đang thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng sinh thái hoặc tiếp cận sinh thái, trở thành chiến lược phát triển của các đô thị. Điển hình là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Vũng Tàu, TP. Cần Thơ, TP. Hội An… Cụm từ "sinh thái" được sử dụng nhiều hơn trong các mục tiêu quy hoạch. Tuy nhiên, TS. KTS. Phạm Tuấn Anh cho rằng, “nếu chỉ dừng lại ở tên gọi trong các đồ án quy hoạch chung của các đô thị thì chưa đủ", mà đòi hỏi phải có "một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất và liên thông giữa các lĩnh vực nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, tạo lập các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị hiệu quả”.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H. Ngọc

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), TS. Nguyễn Minh Tân cho biết, theo khảo sát, cho đến nay chưa có một nghiên cứu đồng bộ, bài bản và chuyên sâu về xây dựng cơ chế tài chính, chính sách thuế gắn với mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo hướng mô hình đô thị sinh thái nhằm đáp ứng mục tiêu và quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như nhu cầu thực tế của xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc phát triển đô thị nói chung và đô thị sinh thái nói riêng được Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách chỉ ra là, thiếu hệ thống lý thuyết, mô hình thực tế để xác định tiêu chí đánh giá đô thị sinh thái phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta; chưa xây dựng được mô hình chính quyền đô thị phù hợp, phân cấp, phân quyền đủ mạnh để tối đa hóa nguồn lực trong và ngoài nước; còn lúng túng trong việc thiết kế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế đô thị nói chung và cơ chế tài chính, chính sách thuế nói riêng nhằm thúc đẩy phát triển mô hình đô thị sinh thái.

"Nước ta rất cần đến đô thị sinh thái, bởi sau một quá trình đô thị hóa “nóng, chóng mặt và mất kiểm soát”, nhiều khu vực nội đô đã rơi vào tình trạng quá tải đô thị, do mật độ xây dựng quá dày đặc, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm, lụt lội, cháy nổ... Bên cạnh đó các khu vực không gian xanh tự nhiên ven đô liên tục bị xâm lấn, triệt tiêu. Hệ quả nhãn tiền nhất của phát triển đô thị ồ ạt là sự thu hẹp không gian xanh làm các chỉ số môi trường bị suy giảm trầm trọng. Chính vì chưa có các quy định pháp lý để xác định tiêu chuẩn của đô thị sinh thái dẫn đến thiếu các cơ chế tài chính, chính sách thuế nhằm thúc đẩy sự phát triển, hình thành đô thị sinh thái ở Việt Nam", Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh.

Xác lập cơ chế phân bổ vốn ngân sách nhà nước

Nhấn mạnh vốn là yếu tố tiên quyết trong quá trình phát triển đô thị sinh thái và cơ chế chính sách về huy động vốn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ phát triển mô hình này, đại diện Học viện Tài chính, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng đề xuất, cần có cơ chế đặc thù cho từng nguồn huy động.

Với nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng cho rằng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thường bị giới hạn eo hẹp, do đó để tăng chi đầu tư phát triển, cần phải tìm các giải pháp để tăng quy mô ngân sách nhà nước. Cách thức chủ yếu làm tăng quy mô ngân sách nhà nước là dựa vào hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí.

"Khi tạo ra được cơ chế làm tăng quy mô của ngân sách nhà nước, để có thể huy động trực tiếp được vốn từ kênh ngân sách nhà nước cho đầu tư, một vấn đề không kém phần quan trọng là phải xác lập cách thức phân bổ trực tiếp vốn đầu tư từ kênh ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển các khu đô thị nói chung và đô thị sinh thái nói riêng. Nói cách khác là phải xác lập được cơ chế phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển đô thị sinh thái", PGS.TS Phạm Ngọc Dũng nói.

Đối với cơ chế huy động vốn từ các doanh nghiệp nhà nước cho đô thị sinh thái, việc khai thác nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho đô thị sinh thái chỉ có thể thực hiện được với các dự án cơ sở hạ tầng, dự án khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí, các khu sinh cảnh… qua các hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), ROT (Khôi phục – Khai thác – Chuyển giao). Qua đó, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể.

Với cơ chế huy động vốn đầu tư từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển đô thị sinh thái cần theo nguyên tắc gắn với kế hoạch đầu tư, các công trình ưu tiên, gắn với vấn đề nợ đọng vốn xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ.

Đáng lưu ý, để mở rộng khai thác các nguồn vốn cho đầu tư của mỗi địa phương, Nhà nước cần phải đẩy mạnh phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, nhằm tạo ra cơ chế chủ động cho chính quyền địa phương mở rộng huy động vốn đầu tư thông qua các hình thức tín dụng như: vay nợ các định chế tài chính, phát hành trái phiếu...

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi tài chính đối với đầu tư phát triển và hoạt động của đô thị sinh thái như chính sách ưu đãi thuế, phí và lệ phí. Theo đó, cần nghiên cứu để có ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư, như: ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu đối với các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trong khu đô thị sinh thái.

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng đề xuất, đối với chính sách về thuế thu nhập cá nhân trong hoạt động đầu tư và sinh sống tại đô thị sinh thái cũng cần có cơ chế ưu đãi để người dân hào hứng tham gia đầu tư, góp vốn và sinh sống tại đô thị sinh thái. Các ưu đãi về phí và lệ phí đối với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cư dân cũng cần phải được ưu tiên áp dụng một cách thỏa đáng để môi trường đầu tư, sinh sống của doanh nghiệp cũng thật sự là đô thị sinh thái, là nơi đáng sống.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/can-co-che-dac-thu-cho-tung-nguon-von-huy-dong-phat-trien-do-thi-sinh-thai-i378579/