Cần cơ chế phù hợp để 'giữ chân' các nhà đầu tư
Công phu và khoa học
Rà soát, xóa bỏ trùng lặp, chồng chéo
Cú hích “đánh thức” dòng vốn đầu tư
ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Chính sách ưu đãi đầu tư phải được tiếp cận đa chiều
Chính sách ưu đãi đầu tư cho dầu khí phải được tiếp cận đa chiều, không chỉ là ưu đãi tài chính trực tiếp mà cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh cũng chính là ưu đãi thiết thực và công bằng nhất. Nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư hiệu quả không kém gì so với cơ chế ưu đãi tài chính khác.
Việc xây dựng hệ thống ưu đãi đầu tư cạnh tranh, dài hạn, linh hoạt trên cơ sở hài hòa lợi ích, cần phải tính đến cách tiếp cận theo từng dự án cụ thể. Cần tiếp tục nghiên cứu để đa dạng hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư (ưu đãi đặc biệt) thay vì chỉ đơn thuần là ưu đãi về cắt giảm thuế suất chung như thuế thu nhập doanh nghiệp, ví dụ như có cơ chế thỏa thuận về mức khấu trừ chi phí (cơ chế ưu đãi dựa trên chi phí).
Cơ chế thu hút đầu tư không chỉ đơn thuần dựa vào ưu đãi tài chính trực tiếp và còn là một môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp. Đây lại có thể là yếu tố mềm quan trọng để cạnh tranh, thu hút hoạt động đầu tư vào ngành dầu khí.
TS. PHAN MINH QUỐC BÌNH, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam: cân nhắc các cơ chế khuyến khích đầu tư mỏ nhỏ, mỏ cận biên và những mỏ ở vùng biển xa
Nội dung cần đặc biệt lưu ý trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm khuyến khích đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản và các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí.
Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí, cần xem xét làm rõ các chính sách về khai thác tận thu dầu khí; cân nhắc nhiều hơn các cơ chế, biện pháp khuyến khích đầu tư các mỏ nhỏ, mỏ cận biên và những mỏ ở vùng biển xa, đặc biệt trong bối cảnh các mỏ dầu khí đang khai thác hiện hữu tại Việt Nam có sản lượng khai thác suy giảm nhanh và dần cạn kiệt.
Đối với hình thức “hợp đồng tận thu dầu khí”, dự thảo cần xem xét bổ sung các chính sách theo hướng khuyến khích nhà thầu tiết giảm tối đa chi phí, không áp dụng cơ chế thu hồi chi phí và chia dầu khí lãi theo thang sản lượng mà xem xét áp dụng tỷ lệ % cố định được chia của nước chủ nhà từ dầu khí lãi (tỷ lệ do nhà thầu đề xuất khi tham gia chào thầu và được đàm phán khi xem xét ký kết hợp đồng).
TS. NGUYỄN QUỐC THẬP, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí, đáp ứng yêu cầu của thực tế
Từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu khí sụt giảm, số lượng hợp đồng dầu khí “đếm trên đầu ngón tay” nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại không thể đưa các mỏ nhỏ, xa bờ, cận biên vào khai thác do không có cơ chế ưu đãi đúng mức; một số dự án cũng không thể đẩy nhanh tiến độ do “vướng” cơ chế cũ. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư, triển khai hợp đồng, nhà đầu tư phát hiện một mỏ không đủ lớn, nếu như ký kết tiếp, dự án có thể không khả thi và nhà đầu tư phải điều chỉnh các bước cho phù hợp với thực tế...
Vì vậy, Luật Dầu khí cần được sửa đổi toàn diện để đáp ứng được các phát sinh trong quá trình triển khai thực tế; đồng thời có những chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với tình hình mới và hiện trạng tài nguyên dầu khí còn lại của nước ta, qua đó thúc đẩy đầu tư, đưa được nguồn tài nguyên vào phục vụ cho sự phát triển đất nước.