Cần có chiến lược thay đổi tư duy làm báo để thích nghi với xu hướng công nghệ số
Tại Hội thảo báo chí quốc tế: 'Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN', các đại biểu báo chí 8 nước thuộc Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ) đã họp phiên 1 với chủ đề 'Lý luận chung về quản trị tòa soạn số'.
Kết hợp chặt chẽ giữa nhà báo, nhà công nghệ và nhà quảng cáo
Chia sẻ về từ mô hình tòa soạn truyền thống đến mô hình hội tụ và mô hình tòa soạn số, nhà báo Nhà báo Wu Rui Ming, Báo Shin Min Daily News, thuộc Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore đã có những trao đổi rất thẳng thắn về những thách thức, cơ hội của tờ báo nổi tiếng của Singapore này trong thời đại chuyển đổi số.
Cụ thể theo nhà báo Wu Rui Ming, việc làm báo kỹ thuật số đã thay đổi hoàn toàn so với cách làm báo in. Ông đưa ra một ví dụ rằng “trước đây khi có một thông tin diễn ra vào tối muộn thì rất khó để các tờ báo in có thể kịp cập nhật thông tin, hay làm lớn sự kiện ngay lập tức, nhưng trong thời đại kỹ thuật số thì hoàn toàn có thể làm được, thậm chí làm tốt”.
Ông nhấn mạnh đây chính là yếu tố then chốt trong tác nghiệp, xuất bản báo chí kỹ thuật số. Các báo trên thế giới rất quan tâm đến những sự kiện mang tính thời điểm này, mà trước đây báo in không thể tận dụng được. Nói cách khác, nếu các tòa báo tận dụng được những sự kiện nóng hổi và đưa tin kịp thời, thì sẽ giành được sự quan tâm lớn của độc giả, qua đó sẽ tăng lượng truy cập, đồng nghĩa sẽ tăng được nguồn thu.
Một lưu ý khác mà nhà báo Wu Rui Ming đưa ra trong Hội thảo là các phóng viên, biên tập viên… trong thời đại kỹ thuật số là phải không ngừng nâng cấp bản thân, khi không chỉ trau dồi kỹ năng viết mà còn phải tìm hiểu công nghệ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số của báo chí.
“Chúng tôi luôn được yêu cầu nâng cấp bản thân…Những phóng viên viết đi đưa tin bây giờ cũng phải làm những video phù hợp, đôi khi có thể trong một số trường hợp sẽ thu hút độc giả tốt hơn qua cách tác nghiệp trực tiếp thông qua các nền tảng chia sẻ như TikTok, YouTube hay Facebook…” - nhà báo Wu Rui Ming nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí tại Việt Nam, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện một số cơ quan báo chí đã thực hiện chuyển đổi số trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Báo điện tử VietnamPlus, Báo điện tử VnExpress, Báo Tuổi trẻ…
Bà Đặng Thị Phương Thảo lấy ví dụ, năm 2021, kênh YouTube của Báo điện tử VietnamPlus đạt Nút bạc - mốc 100.000 subscribers, kênh TikTok đạt 700.000 followers chỉ trong vòng 01 năm. Ngày 24/5/2022, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney gồm 7 chương trình được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng (01 báo điện tử, 04 trang Fanpage và 01 kênh YouTube) và một trang thông tin điện tử. Báo điện tử và kênh truyền hình, các trang mạng xã hội của Báo Thanh niên đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm qua khi thực hiện chuyển đổi số. Ðặc biệt, kênh YouTube của Báo Thanh Niên đã đạt mốc 5 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Từ năm 2021 chứng kiến sự trỗi dậy của Podcast.
Cuối năm 2021, Báo Nhân dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hàng ngày trên nền tảng Podcast với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới thính giả trong và ngoài nước, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất cả nước cho công chúng. Giữa năm 2022, Báo Tuổi Trẻ, Báo Người Lao động… cũng đã ra mắt thử nghiệm Podcast. Đến nay, đã có 05 cơ quan báo chí triển khai mô hình thu phí nội dung (Báo điện tử VietnamPlus, Tạp chí Ngày nay, Báo điện tử Vietnamnet, Báo Tuổi trẻ, Báo Người Lao động).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai một số giải pháp định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí. Trong đó đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng cho các lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên... về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số của báo chí nói riêng.
Bộ đã xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí, là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số thông qua 03 vấn đề: các xu hướng lớn ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số hiện nay; công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai.
Ngày 02/06/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Công cụ này giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả.
Bà Phương Thảo cũng nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số báo chí thành công, nhận thức của các tòa báo cần thực sự thay đổi để đầu tư hơn vào công cuộc này, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà báo, nhà công nghệ và nhà quảng cáo để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cả về nội dung và kinh tế báo chí.
Xây dựng một hệ sinh thái linh hoạt dựa trên công nghệ
Nói về kinh nghiệm thành công ở đơn vị mình, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Nhà báo VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Được thành lập từ 07/9/1945, đến nay, VOV là cơ quan báo chí Việt Nam duy nhất có đầy đủ 4 loại hình báo chí, có nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất (13 ngôn ngữ), nhiều ngôn ngữ nước ngoài nhất (13 ngôn ngữ).
Trong bối cảnh tỉ lệ người nghe phát thanh, xem truyền hình truyền thống đang có sự giảm sút, công chúng đang chủ động tìm nội dung mà họ muốn tiếp cận, việc phân phối nội dung trên các nền tảng số đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đài TNVN đang tập trung xây dựng các nền tảng phân phối nội dung số và đẩy mạnh truyền thông trên môi trường số.
Mỗi loại hình truyền thông có xu hướng phát triển theo hướng chuyên sâu và chuyên nghiệp của từng loại hình báo chí. Truyền hình tập trung vào hình ảnh và video, phát thanh chủ yếu vào âm thanh và báo điện tử là tích hợp đa phương tiện.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang xây dựng một hệ sinh thái linh hoạt dựa trên công nghệ, ở đó các đơn vị nội dung có thể chia sẻ nguồn lực và tài nguyên một cách hiệu quả. Phát triển cơ chế và giao thức để dễ dàng chia sẻ thông tin, nội dung, và kỹ năng giữa đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
"Đài Tiếng nói Việt Nam xác định tầm nhìn trong hệ sinh thái báo chí số là xây dựng một môi trường nội dung đa dạng và phong phú, cung cấp thông tin từ nhiều góc độ và chủ đề khác nhau, hướng tới sự hiện đại và sáng tạo trong cách tiếp cận nội dung và truyền thông để đảm bảo thu hút độc giả ở mọi độ tuổi và sở thích" - Nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nói về chủ đề "Chuyển đổi theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí chuyên sâu", nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) cho biết, từ năm 2021, Báo Nhân Dân đã xây dựng Chiến lược chuyển đổi số để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực với những định hướng và lộ trình thực hiện rõ ràng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công nghệ, phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và các sản phẩm báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ.
Báo Nhân Dân ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Đặc biệt, Báo Nhân Dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform. Đây là công cụ có nhiều tính năng vượt trội cho phép trình bày ấn tượng các sản phẩm đồ họa tương tác, ảnh, video, phục vụ cho nội dung báo chí. Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh phát triển fanpage Báo Nhân Dân trên các mạng xã hội Facebook, Tik Tok… theo xu hướng social-first.
Thông tin được ưu tiên đưa lên báo điện tử, thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Ngoài ra, Báo cũng hợp tác với các đối tác quốc tế Chartbeat phát triển công cụ đo lường, phân tích dữ liệu hành vi, nhu cầu độc giả, nhằm giúp tòa soạn cung cấp thông tin đúng nhu cầu của bạn đọc, tối ưu thời gian bạn đọc lưu lại trên báo (time on site) và lượng truy cập (pageviews).
Đồng thời, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram...vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu; đẩy mạnh phát triển Fanpage Báo Nhân Dân trên các mạng xã hội Facebook, TikTok; khai trương nhiều trang thông tin đặc biệt nhằm tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện…
Đặc biệt, một điểm nhấn về chuyển đổi số của Báo Nhân Dân được ông Ngô Việt Anh đề cập đó là việc xây dựng các sản phẩm Tri thức chuyên sâu. Với khẩu hiệu “Mọi câu hỏi đều có lời giải”, chuyên mục đặc biệt này nhằm đón đầu xu hướng báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu nhằm cung cấp kiến thức tổng quan, chuyên sâu với cách trình bày công phu, đa phương tiện, hấp dẫn.
Báo Nhân Dân đã xây dựng hơn 60 nội dung Tri thức chuyên sâu phân loại theo 5 nhóm gồm: sự kiện, vấn đề, nhân vật, địa danh, tổ chức. Về triển khai mô hình tòa soạn số, ông Ngô Việt Anh cho biết, tháng 6/2023, Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử được khánh thành trên khu vực có diện tích hơn 400m2. Tòa soạn hội tụ hiện đại sẽ tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc.
Báo Nhân dân đã có những cách làm đa dạng hóa nguồn thu từ các sản phẩm chất lượng để có thêm kinh phí quay trở lại tái đầu tư cho chuyển đổi số.
Hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề chung
Trong tham luận với chủ đề: Chuyển đổi giá trị tương hỗ giữa Nhà xuất bản và Công ty nền tảng số trong kỷ nguyên báo chí trí tuệ nhân tạo, ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia nêu ra thực trạng đáng lo ngại tại Indonesia.
Cụ thể, theo ông Agus, tại Indoneisa hiện nay, 80% tin tức đang bị kiểm soát bởi Google và Facebook. Các nền tảng này cũng chiếm tới 70% doanh thu quảng cáo; đồng thời thu thập dữ liệu người dùng, bán dữ liệu này cho các nhà quảng cáo.
“2 năm trước đây, Hội Nhà báo Indonesia và Chính phủ đã cố gắng xây dựng những điều luật mới về quyền xuất bản trên nền tảng số để hỗ trợ báo chí lành mạnh. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến sự hài hòa giữa đơn vị xuất bản và các nền tảng số. Chúng tôi đề nghị các nền tảng số phải đàm phán để làm rõ trách nhiệm chia sẻ kế hoạch minh bạch giữa các bên. Điều luật cũng đặt ra quy định tránh phân bổ, thương mại hóa các nội dung không phù hợp với tiêu chí báo chí lành mạnh”, ông Agus Sudibyo nhấn mạnh.
Với thách thức này, đại diện đến từ Indonesia đề xuất thành lập mạng lưới truyền thông ASEAN để hướng tới truyền thông bền vững; trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề chung.
Cũng đề cập đến vấn đề hợp tác truyền thông, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, VTVgo được xây dựng dựa trên một chiến lược mới lấy người xem, người đọc làm trung tâm, người xem ở đâu khán giả ở đâu VTVGo có mặt ở đấy. Đối với khán giả có thể xem mọi lúc mọi nơi. Sản phẩm VTVgo có thể sử dụng trên điện thoại thông minh, các nền tảng khác... VTVgo là nền tảng trọng tâm để truyền tải nội dung trên internet.
Ông Chiến cũng cho biết thêm, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt đưa thêm 6 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và các kênh truyền hình địa phương lên nền tảng này. Việc đưa các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia lên nền tảng truyền hình số VTVgo nằm trong Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia đã được Bộ TT&TT phê duyệt. Trong tương lai VTVgo sẽ được cài đặt trên tất cả tivi bán trên thị trường Việt Nam, các công ty sản xuất tivi đã có cam kết cài đặt ứng dụng này trong các tivi được bán ra...
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Thị Thành - Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin, Khoa học lý luận chính trị cho rằng, trong chuyển đổi số, một số công nghệ có vai trò trụ cột như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ chuỗi khối, công nghệ internet vạn vật...
Chuyển đổi số hoạt động báo chí đã được khẳng định là xu thế tất yếu. Đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về quy trình xuất bản, mô hình hoạt động và phương thức sản xuất của các cơ quan báo chí và người làm báo.
Từ góc độ cơ quan báo chí địa phương, nhà báo Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ, Tổng biên tập báo Cần Thơ cũng chia sẻ những kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ý kiến đề cập đến 3 giải pháp trọng tâm: một là, chất lượng nguồn nhân lực; hai là, kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý, tác nghiệp và điều hành; ba là, xây dựng nền tảng số và hệ thống quản trị hiện đại.
Tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thứ nhất, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tại phiên họp đã có nhiều đại biểu đã bàn đến một vấn đề quan trọng, không thể thiếu của quản trị tòa soạn số đó là vấn đề ứng dụng công nghệ.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi từ mô hình tòa soạn kiểu truyền thống, sang mô hình hiện đại hơn. Sự chuyển đổi này đòi hỏi những chiến lược thay đổi tư duy làm báo để thích nghi. Các đại biểu cũng nêu giải pháp để các cơ quan báo chí có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số…
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá, phiên thứ nhất đã kết thúc và thành công tốt đẹp, hoàn thành được mục tiêu đề ra. Ban tổ chức mong muốn tại phiên thứ 2 diễn ra vào chiều ngày 7/12 các đại biểu sẽ có những trao đổi thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp hữu ích, hấp dẫn hơn nữa.