Cần có chính sách hạn chế hoặc cấm các cơ sở được nạo hút thai
Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ nhanh và nghiêm trọng. Kể từ năm 2006 đến nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng lan rộng.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Nếu mất cân bằng giới tính không được giải quyết thì trong vòng 30 năm nữa, dự đoán Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. "Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy, việc thiếu hụt nữ giới sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới mà còn cả phụ nữ. Ví dụ, nảy sinh vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em gái vì mục đích bóc lột tình dục, kết hôn sớm, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái....", bà Quỳnh Anh cho biết.
Cũng theo bà Quỳnh Anh, nguyên nhân "gốc rễ" của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cũng không khác so với các nước Châu Á khác, đó là bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mọi người ưa thích con trai hơn con gái vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ, có con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, có thêm lực lượng lao động trong gia đình, đặc biệt ở những vùng yêu cầu công việc nặng nhọc như ở vùng biển, vùng mỏ than... Đặc biệt nữa là cần có con trai để chăm sóc cha mẹ khi về già. Theo văn hóa Việt Nam thì sau khi kết hôn người phụ nữ thường chuyển về sống ở gia đình nhà chồng và không có điều kiện chăm sóc cha mẹ mình. Bên cạnh đó chính sách chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam chưa được đầy đủ và hiệu quả.
Bên cạnh nguyên nhân này thì cũng có một số yếu tố khác dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh như quy mô gia đình nhỏ, vì mỗi gia đình chỉ có hai con trong bối cảnh ưa thích con trai cho nên các cặp vợ chồng thường phải cố gắng sinh ít nhất một đứa con trai, điều này đặc biệt rõ ở Việt Nam khi mà mất cân bằng giới tính khi sinh cao ngay ở lần sinh đầu, tức là khi đã sinh được con trai rồi thì các cặp vợ chồng không sinh con nữa. Ngoài ra là sự sẵn có của các công nghệ hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh, một trong những vấn đề cơ bản dẫn đến đến mất cân bằng giới tính, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, cái khó khăn nhất hiện nay không phải là vấn đề về pháp luật, bởi pháp luật đã có những hành lang pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát, đặc biệt giám sát trong hệ thống y tế tư nhân, các phòng mạch là rất khó. Thêm nữa là chính người đi siêu âm có nhu cầu, họ bị ám ảnh bởi những quan niệm về giới tính. Do vậy, việc thực hiện chính sách hay cam kết vẫn khó để triệt để. "Cốt yếu là trong xã hội chúng ta vẫn chưa xóa được quan niệm về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Hay nói cách khác nhiều người vẫn nghĩ gia đình không có đàn ông như không có trụ cột, trọng nam khinh nữ... Đây là điều quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chưa kể bây giờ khoa học rất phát triển để có thể xác định sớm giới tính thai nhi nên việc này vẫn vô cùng khó khăn", bác sĩ Trần Danh Cường khẳng định.
Hiện nay, các bệnh viện không thực hiện việc tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh, tuy nhiên vẫn thực hiện nạo hút thai mà không phân biệt lý do (ví dụ như lý do thai nhi dị tật hay vì quan điểm giới tính). Bên cạnh đó các bệnh viện, phòng khám tư nhân cũng nhận làm dịch vụ nạo hút thai. TS. Trần Danh Cường cho rằng, cần phải có chính sách hạn chế hoặc cấm các cơ sở bên ngoài được nạo hút thai. Chỉ có các bệnh viện chuyên khoa mới được phép thực hiện thủ thuật này. Bởi bệnh viện sẽ có đầy đủ hồ sơ, lý do khi làm công tác chuyên môn này.
Mất cân bằng giới tính khi sinh trên thế giới được phát hiện đầu tiên ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ từ những thập kỉ 80, sau đó phát hiện ở Việt Nam và gần đây thì phát hiện ở một số nước ở vùng Kavkaz như Armenia, Azerbaijan.... và cả một số nước Nam Á như Nepal, Bangladesh...
Các nước trên thế giới đã tập trung rất nhiều nguồn lực và nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đến hiện nay mới chỉ có Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên. Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, ngoài việc phát triển kinh tế xã hội thì việc thúc đẩy bình đẳng giới là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, ở Hàn Quốc có riêng một bộ về gia đình và phụ nữ tập trung vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó các chính sách và chương trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Hàn Quốc cũng được triển khai mạnh mẽ góp phần vào việc nâng cao giá trị của phụ nữ và trẻ em gái thay đổi quan niệm ưa thích con trai. Trong khi đó ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Và tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao nhất thế giới là 116 và 113.
"Khó nhất chính là truyền thống, thứ hai chính là quản lý, giám sát và thứ ba chính là sự phát triển của khoa học và công nghệ nên việc ngăn cản lựa chọn giới tính khi sinh gặp rất nhiều bất lợi", bà Quỳnh Anh khẳng định.