Cần có chính sách rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ để phát triển kinh tế tư nhân

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá, Nghị quyết đã nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế... Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần cụ thể hóa các chủ trương hỗ trợ này một cách hiệu quả; có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính vì từ trước tới nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu thành phố Hà Nội đề xuất cần có chính sách ưu đãi và quan tâm đủ mạnh, đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, vùng mà chúng ta đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

"Những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa như thế này rất cần có doanh nghiệp là hạt nhân là đầu kéo mới có thể phát triển được", đại biểu khẳng định.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất có chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, thuê đất dài hạn có thể từ 5-10 năm cho các doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí logistics, kho bãi, đầu tư sơ chế, chế biến để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí giá thành sản xuất và cạnh tranh được trên thị trường; quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành phụ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp như cơ khí, máy móc, vật tư, hóa chất, đặc biệt là các tổ hợp giống lai tiến bộ...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Như So phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Như So phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Góp ý cụ thể về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung một số điều khoản về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình dựa trên tri thức, theo đại biểu, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ, ngày càng đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Điển hình như với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), đại biểu Nguyễn Như So chỉ rõ, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền.

"Nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng", đại biểu khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Như So nêu thực tế, tại Việt Nam, phần lớn startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đúng chuẩn và đúng thời điểm; nhiều trường hợp đã mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và năng lực phát triển ra thị trường quốc tế.

"Vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ là một hành vi phòng ngừa rủi ro pháp lý, mà là chiến lược phát triển năng lực lõi của doanh nghiệp. Do đó, việc bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính và đơn giản hóa thủ tục đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào Nghị quyết là không chỉ cần thiết, mà là cấp thiết", đại biểu nói.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội rất nhiều, cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để kịp thời bổ sung vào chương trình lập pháp năm2025 trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 10 cũng như định hướng lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XVI để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, toàn diện hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-co-chinh-sach-ro-doi-tuong-ro-muc-ho-tro-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-20250515193258219.htm