Cần có chính sách thu hút nhân tài

Phát triển bền vững nguồn nhân lực là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của mọi quốc gia hiện nay, đây cũng là cơ hội cũng như thách thức quan trọng đối với nhiều quốc gia.

Đó là ý kiến của Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam tại Hội thảo “Nguồn nhân lực để phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Quá trình đô thị hóa, già hóa dân số, suy thoái môi trường diễn ra nhanh ở nhiều đất nước trong đó có vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu đối với mô hình phát triển. Giáo sư Đặng Nguyên Anh cho rằng, chìa khóa của sự chuyển đổi nhân tố trung tâm trong quá trình phát triển nhân lực ở Việt Nam đó chính là vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là khâu quan trọng nhất trong 3 khâu đột phá có vai trò chi phối trong thực hiện các đột phá khác, vì chính con người đã tạo ra và thực thi đột phá về thể chế cũng như là xây dựng bộ máy quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, chất lượng nguồn lực ở nước ta đã đạt nhiều tiến bộ xét trên nhiều tiêu chí khác nhau, song cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Thiếu hụt nhà khoa học, nhà khoa học đầu ngành; Nhân lực khoa học công nghệ phân bố không đồng đều, đặc biệt nhân lực khoa học có trình độ tiến sĩ chủ yếu tập trung tại các tổ chức khoa học công nghệ ở trung ương; cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay vẫn còn dựa vào bằng cấp.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng cán bộ khoa học chưa tạo động lực phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo và đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút các tri thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ ở Việt Nam; thiếu quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên.

Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đó là cần phải tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở tất cả các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người dân.

Ngoài ra cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu. Tăng cường kết nối và sử dụng lao động, tăng cường thông tin thị trường lao động, mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mở rộng môi trường là cơ hội thực hành, cơ hội việc làm cho học sinh sinh viên; xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, có chính sách thực sự trọng dụng nhân tài, đặc biệt là trong khu vực công, tạo cơ hội vượt trội cho người tài lực và thu hút nhân lực trình độ cao là người việt đang làm việc ở nước ngoài và việt kiều, chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Thành Tâm

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/can-co-chinh-sach-thu-hut-nhan-tai-28741.html