Cần có chính sách ưu tiên tuyển chọn đầu vào để đào tạo sĩ quan Bộ đội Biên phòng là người dân tộc thiểu số
Ngày 31/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với nội dung, hình thức phù hợp từng đối tượng, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ và đạt nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Đội ngũ cán bộ được biên chế đủ về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Môi trường làm việc, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện; công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội được quan tâm...
Cũng tại hội nghị, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được các đại biểu chỉ ra. Cụ thể như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã có quy định được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ, sĩ quan của đơn vị vẫn chưa được thụ hưởng chế độ, chính sách này. Một thực tế nữa là, do quy định về tuổi nghỉ hưu theo cấp bậc quân hàm, phần lớn sĩ quan cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống khi nghỉ hưu sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu mức tối đa 75%, do không đủ thời gian 35 năm đóng bảo hiểm xã hội; hệ thống chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong quân đội hiện nay được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa thống nhất…
Từ những khó khăn, vướng mắc, nhiều kiến nghị, đề xuất như trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ của quân đội nói chung và lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng luôn gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, đòi hỏi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cần phải được quan tâm hơn nữa, cụ thể hóa đối với các vùng miền, đặc biệt phải có chính sách ưu tiên tuyển chọn đầu vào để đào tạo sĩ quan là người dân tộc thiểu số, cũng như mở các lớp cử tuyển tạo nguồn sĩ quan; đồng thời, đề nghị nghiên cứu tăng tuổi phục vụ tại ngũ cho phù hợp để sĩ quan có cấp bậc Thiếu tá, Trung tá khi nghỉ hưu được hưởng tối đa 75% để tính lương hưu theo Luật Bảo Hiểm xã hội.
Cụ thể, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với quân hàm thượng tá là 56 tuổi, Trung tá 55 tuổi, Thiếu tá 54 tuổi để không lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời bảo đảm chế độ cho sĩ quan có đủ thời gian đóng bảo hiểm 35 năm.
Đối với sĩ quan đã giữ bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đang đảm nhiệm mà chưa bố trí hoặc không phát triển lên chức vụ có trần quân hàm cao hơn, cần nghiên cứu, nâng lương cho hợp lý và không giới hạn về số lần nâng lương. Cần có sự đồng bộ, thống nhất cấp bậc quân hàm của Quân đội, Công an cấp tỉnh, cấp huyện để thuận lợi trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quy định rõ chức danh Đồn trưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng tương đương với chức vụ Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện trong hệ thống chức vụ của sĩ quan...
Bên cạnh đó, cần sớm triển khai thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; chế độ phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội... để cán bộ yên tâm công tác.
Nhân dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tặng Giấy khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.