Cần có chương trình đào tạo mới cho nhân lực ngành tài chính - ngân hàng
Thành phố Hồ Chí Minh có hoạt động đầu tư nước ngoài sôi động, lại đang hướng đến trở thành trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng đạt chuẩn quốc tế tại thành phố đang có nguy cơ thiếu hụt.
Nhu cầu cấp thiết
Theo Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, ngành tài chính - ngân hàng là một phạm trù rất rộng, bao gồm các lĩnh vực chuyên biệt như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm, phân tích tài chính, kinh tế học tài chính, bảo hiểm...
Trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước, Sàn Giao dịch chứng khoán HOSE hoạt động sôi nổi nhất Việt Nam; thành phố là địa phương trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế sôi động; kinh tế số ngày càng phát triển…, nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế ngành tài chính - ngân hàng ngày càng tăng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực cho biết, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỷ trọng khoảng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hằng năm (khoảng 15.000 lao động), trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm 80,4% nhu cầu tuyển dụng.
“Nhu cầu nhân lực ngành này tăng khoảng 20%/năm. Nếu các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu hụt lớn”, ông Trần Anh Tuấn đánh giá.
Từ một góc nhìn khác, Tiến sĩ Phùng Thái Minh Trang, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Hoa Sen (HSU), nhận xét: Trước đây, nhân viên ngân hàng thường chỉ cần thông thạo một nghiệp vụ. Giờ đây, họ cần được đào tạo thêm để đa năng hơn, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự biến đổi về công nghệ trong thời đại số. Trên thực tế hiện nay, để tìm được một nhân sự như vậy không dễ dàng, nhất là nhân sự về học máy (machine learning), lập trình tài chính (financial programming), trí tuệ nhân tạo...
Kết quả cuộc khảo sát do Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, công bố cuối năm 2023 cho thấy, có khoảng 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang thiếu hụt nhân sự kỹ thuật cần thiết, trong đó có nhiều vị trí cho ngành tài chính - ngân hàng đảm nhiệm các phần việc liên quan đến số hóa các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, các chương trình đào tạo hiện tại ở bậc đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đặt trọng tâm theo hướng quản trị tài chính - ngân hàng, chưa chú trọng hướng tiếp cận thị trường tài chính và dịch vụ tài chính gắn liền với trung tâm tài chính quốc tế; chưa gắn với nhu cầu số hóa ngành tài chính - ngân hàng...
Cần có chương trình đào tạo mới
Là một doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành tài chính - ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2026 với Trường Kinh doanh (thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) để phát hiện, đào tạo và tuyển dụng sinh viên xuất sắc trong ngành này làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Ông Phùng Duy Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân VPBank cho biết, doanh nghiệp kỳ vọng sự hợp tác này sẽ tạo nguồn cung nhân lực chất lượng cao, số lượng nhiều, phù hợp với yêu cầu mới trong kỷ nguyên số hóa của ngành tài chính - ngân hàng, phục vụ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng đào tạo tại thành phố chỉ chiếm 10% nhu cầu thực tế. Số còn lại sẽ phải bổ sung từ nguồn trong nước và quốc tế. Thực tế này dẫn đến yêu cầu rất cần có một chuẩn đào tạo tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng để nhân lực ngành này đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đánh giá trên là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, góp phần thực hiện Đề án "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ" của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu nhằm góp phần phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố trong quá trình hội nhập, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hồng, Trưởng nhóm nghiên cứu đề xuất, cần hiệu chỉnh lại chương trình đào tạo đại học ngành này. Theo đó, với đào tạo bậc đại học trong nước, cần có 82 môn học với 106 tín chỉ bắt buộc và 18 tín chỉ tự chọn. Đào tạo đại học liên kết quốc tế gồm nhiều loại thời gian đào tạo tại Việt Nam và nước ngoài với bằng cấp quốc tế….
Với chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, cấu trúc chương trình gồm 60 tín chỉ của 5 môn học bắt buộc và 17 môn học tự chọn. Mô hình đào tạo bậc thạc sĩ trình độ quốc tế cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước giảng dạy 2 năm hoàn toàn bằng tiếng Anh…
“Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo bậc đại học chuyên ngành tài chính - ngân hàng đáp ứng trình độ quốc tế, chi phí lại thấp hơn, số lượng nhiều hơn, nếu có khung chương trình phù hợp”, Tiến sĩ Hồng khẳng định.