Cần có cơ chế, chính sách ổn định để phát triển năng lượng tái tạo
Bình Thuận mong muốn có cơ chế, chính sách ổn định, ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trên mái để giảm bớt đầu tư nguồn và lưới điện, phát triển điện gió và điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng...
Bình Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Lĩnh vực này tại địa phương hiện nay đang có sức thu hút lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để phát triển điện gió, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Theo đó đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng xấp xỉ 1.500 triệu kWh; đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy khoảng 2.500 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh.
Đối với điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng Quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030 của tỉnh với tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió, với tổng công suất 812,5 MW được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió Thăng Long ngoài khơi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW...
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã có 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng ký đầu tư khoảng 6.047 MWp tương đương 4.847 MW.
Mặc dù nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn đang thu hút các nhà đầu tư vào Bình Thuận nhưng đại diện Sở Công Thương của tỉnh này cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời. Cụ thể, giá mua điện gió thời gian năm 2018 trở về trước theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng là 7,8 UScent/kWh nên việc triển khai các dự án điện gió chưa được như kỳ vọng. Cùng với đó việc chồng lấn dự án điện gió, điện mặt trời với các khu vực quy hoạch dự trữ thăm dò, khai thác titan; tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện... cũng là những rào cản đối với nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Trong năm 2019 và 2020 việc đầu tư và phát triển các dự án điện mặt trời (tổng cộng 21 nhà máy, tổng công suất 903,48 MW - tương đương 1.137,5 MWp) có tình trạng quá tải lưới điện 110kV, nhất là khu vực Tuy Phong. Do đó, không đáp ứng việc giải phóng công suất các nhà máy điện gió và điện mặt trời, dẫn đến các nhà máy bị cắt giảm công suất phát điện, giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí tài nguyên năng lượng.
Nguyên nhân này được chỉ ra là do việc xây dựng nhà máy điện mặt trời trong thời gian ngắn khoảng 6 tháng đến 1 năm trong khi việc đầu tư xây dựng lưới điện 110-220kV mất 2-3 năm. Ngoài ra, các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đầu nối lên các đường dây 110kV và 220kV đang đẩy công suất về phía Bình Thuận, làm giảm khả năng giải tỏa công suất của các dự án tại địa phương cũng như quá tải các tuyến đường dây 110kV và 220kV trên địa bàn tỉnh.
Trước thực tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết đối với việc phát triển dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Bình Thuận có nhiều kiến nghị đến Chính phủ, bộ ngành liên quan.
Theo Sở Công Thương, đến nay đa số dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh trong trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, hiện chưa được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cho phép điều chỉnh ra khỏi khu vực quy hoạch. Do vậy, các dự án này không thể triển khai thi công, tác động vào đất đai cũng như một số thủ tục liên quan khác. Trước tình hình trên, Sở Công Thương kiến nghị sớm được phê duyệt điều chỉnh các dự án này ra khỏi vùng quy hoạch.
Mặt khác, Sở cũng mong có cơ chế, chính sách ổn định, ban hành quy định, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trên mái để giảm bớt đầu tư nguồn và lưới điện, phát triển điện gió và điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng...