Cần có giải pháp để người dùng hiểu và sử dụng đúng thực phẩm chức năng
Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, cụ thể: “Có thể nói chưa bao giờ thực phẩm chức năng đa dạng, phong phú như hiện nay, thu hút rất lớn lượng người sử dụng, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già. Tuy nhiên, có rất nhiều người dùng chưa biết cách sử dụng đúng cách, hợp lý. Việc lạm dụng, sử dụng thực phẩm chức năng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa, trao đổi chất của cơ thể, do nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng. Thậm chí bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng không đúng, không hợp lý còn có thể làm mất đi thời gian vàng chữa trị bệnh”.
Đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết những giải pháp căn cơ, hiệu quả để người dân hiểu đúng, đủ về thực phẩm chức năng để biết cách sử dụng đúng, mang lại hiệu quả, đúng với bản chất của công dụng của thực phẩm chức năng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mỹ Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan cho biết, liên quan tới việc quản lý thực phẩm chức năng, quản lý mỹ phẩm, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan tới nội dung này, từ vấn đề xác nhận nội dung, công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo, cho đến vấn đề quản lý thị trường. Bộ trưởng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Theo cơ chế này, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc là Sở Y tế.
Tùy từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, đối với các sản phẩm bán trên Website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng. Bộ trưởng khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường. Phát huy vai trò của MTTQ, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định,...
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99, ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cấp phát, hỗ trợ các đơn vị, địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện quy trình thẩm định, cấp giấy phép theo hướng tinh gọn, minh bạch và rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý nhân sự, thực hiện công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia hiệu quả của Hội nghề nghiệp công tác này. Trong năm 2024 thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc, vaccine, thiết bị y tế, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và phát triển công nghiệp dược. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng thực phẩm chức năng.
Thứ tư, khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông, tập trung chất vấn về: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành thông qua chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp có hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý./.