Cần có giải pháp khoa học, hiệu quả khắc phục sạt lở Quốc lộ 91

Chiều 25/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Họp về 'Chủ trương chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang'. Tham dự có đại diện tỉnh An Giang, các Bộ, ngành liên quan.

Điểm sạt lở trên Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Điểm sạt lở trên Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Sau khi nghe báo cáo xin chủ trương xã hội hóa và đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở Quốc lộ 91, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tiến sĩ Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh An Giang cần có sự phối hợp với các ban, ngành liên quan, các nhà khoa học có giải pháp khoa học, hiệu quả trong việc khắc phục sạt lở Quốc lộ 91, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu.

"Tỉnh An Giang có kế hoạch sử dụng nguồn vốn 140 tỷ đồng do Chính phủ cấp vào cuối năm 2019 đồng thời xem xét sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khắc phục sạt lở Quốc lộ 91, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu. Đối với việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa (nếu có) để thực hiện việc này thì cần phải công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời trong quá trình xây dựng, triển khai, thực hiện các phương án chỉnh trị trên toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu cần quan tâm đến sự cố trên hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, các vấn đề khác ảnh hưởng đến thượng lưu, hạ lưu sông Tiền, sông Hậu", Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Theo ông Tô Văn Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trước diễn biến phức tạp trên tại tỉnh An Giang, cần có các giải pháp để chỉnh trị sự cố trên tạo hành lang đảm bảo an toàn tại Quốc lộ 91 gắn với việc quy hoạch lại dân cư ven bờ sông Hậu. Bên cạnh đó nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3 km (đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300 m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600 m).

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Thủy văn môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, sự cố trên tại tỉnh An Giang chịu ảnh hưởng bởi 3 nguyên nhân: Ngoại sinh (thuộc đoạn sông cong, nền đất yếu...), chế độ thủy động lực (chịu ảnh hưởng của thủy triều, mưa, chế độ dòng chảy) và việc cân bằng nguồn cát.

"Về lâu dài cần tính toán đến việc chỉnh trị toàn tuyến trên sông Tiền, sông Hậu, đánh giá tác động của các dự án liên quan ở thượng nguồn, hạ lưu, các công trình dân sinh", Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Hương Lan lưu ý.

Đại diện các Bộ, ngành Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đều nhất trí với việc khắc phục sạt lở Quốc lộ 91, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu đảm bảo hiệu quả, an toàn, lâu dài. Sử dụng kinh phí bằng hình thức xã hội hóa trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn cho biết, do biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh An Giang ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao..., thời gian gần đây tình hình đã chuyển sang chiều hướng phức tạp bởi chế độ dòng chảy, thay đổi, mang tính bất thường, khắc nghiệt so với trước đây, dẫn đến tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên, tập trung ở các khu dân cư, đô thị, các tuyến huyết mạch gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, hoạt động sản xuất. Đặc biệt, trong tháng 8/2019, tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, có đoạn dài gần 30 m, ăn sâu vào đến tim đường quốc lộ.

Để bảo đảm an toàn cho hạ tầng và người dân sống trong khu vực sạt lở, các cấp chính quyền tỉnh An Giang đã đề xuất các giải pháp xử lý cấp bách ngay khi xảy ra sạt lở, đồng thời nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành. Việc khắc phục và giải quyết triệt để khu vực sạt lở đang được UBND tỉnh An Giang, cùng các Bộ, ngành gấp rút triển khai, trong đó hạng mục xây dựng kè bảo vệ bờ được ưu tiên hàng đầu và cần sớm thực hiện để đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại đây. Về lâu dài, cần tiếp tục di dời dân ra các khu vực an toàn để đảm bảo mục tiêu an sinh bền vững.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-co-giai-phap-khoa-hoc-hieu-qua-khac-phuc-sat-lo-quoc-lo-91-20200625190433320.htm