Cần có giải pháp lâu dài giúp người dân tránh nạn sóng biển xâm thực
Tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 705 tỷ đồng để xử lí khẩn cấp 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Khi chưa có nguồn kinh phí khắc phục thì cũng chủ động phương án chủ yếu là sơ tán dân để đảm bảo an toàn.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, trên tuyến biển có chiều dài gần 17km của tỉnh Quảng Ngãi hiện có 14 vị trí sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng biển xâm thực; trong đó, có 3 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ và Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, với tổng chiều dài khoảng 6km, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân và các công trình dân sinh.
Bờ biển Bình Hải, huyện Bình Sơn liên tục bị triều cường xâm thực ngày một nhiều thêm. Mỗi năm sóng biển ăn sâu vào đất liền cả chục mét. Đặc biệt, cơn bão số 9 đã làm bờ biển ở đây bị sạt lở trên 1,5km uy hiếp trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 170 hộ dân. Nhiều ngôi nhà đã bị sóng biển đánh sập. Người dân ở đây vẫn mãi loay hoay với chuyện an cư.
“Ông bà ta thường nói an cư thì lạc nghiệp, còn ở không an thì cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nguyện vọng của người dân ở đây là làm sao cấp trên quan tâm làm cho một cái bờ kè để bà con an cư, ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Lê Văn Hoàng, người dân thôn An Cường, xã Bình Hải chia sẻ.
Theo ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, hiện tại triều cường xâm thực gây sạt lở nặng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi là huyện Bình Sơn; đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 300 hộ dân sống dọc bờ biển cùng với cơ sở hạ tầng giao thông, trạm viễn thông, công trình dân sinh. Đề cập về trách nhiệm chính quyền địa phương, ông Khiêm cho rằng, trước mắt cần có quỹ đất tái định cư để di dời các hộ dân nằm sát mép biển.
“Về lâu dài thì Nhà nước cũng nên đặt vấn đề đầu tư một cái kè dọc theo bờ biển để mà giữ cho được quỹ đất này. Còn bây giờ chúng ta di dân vùng sát ven biển thì sau đó sóng biển sẽ tiếp tục xâm thực vào trong đất liền mỗi năm một ít thì sóng biển sẽ tiếp tục phá hủy lâu dài. Cho nên giải pháp căn cơ là Nhà nước nên có chủ trương đầu tư một cái kè chống sạt lở thì nó mới đảm bảo an toàn và giữ được quỹ đất lâu dài của người dân”, ông Khiêm bày tỏ.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới ngày một nhiều và cường độ mạnh hơn đã làm tình trạng sạt lở bờ biển ở tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng. Hầu hết các vị trí bị sạt lở đều bị mở rộng thêm, gia tăng mức độ nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 705 tỷ đồng để xử lí khẩn cấp 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Châu huyện Bình Sơn; Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ; Nghĩa An, Tịnh Kỳ TP Quảng Ngãi. Khi chưa có nguồn kinh phí khắc phục thì cũng chủ động phương án chủ yếu là sơ tán dân để đảm bảo an toàn về người. Tỉnh cũng đã tổng hợp báo cáo Trung ương, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ để hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Ngãi sớm khắc phục…
Triều cường vẫn tiếp tục xâm thực gây sạt lở nhiều khu vực ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Chính quyền các địa phương đã chủ động phương án di dời dân. Tuy nhiên, di dời dân nằm trong vùng nguy hiểm chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài tỉnh Quảng Ngãi rất cần nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đầu tư hoàn thiện các tuyến đê kè biển giúp người dân ven biển an cư ổn định cuộc sống và sản xuất.