Cần có giải pháp phục hóa diện tích ruộng bỏ hoang vì nhiễm mặn
Gần một nửa trong tổng số 80 ha diện tích ruộng lúa của thôn Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong đã bỏ hoang khoảng 20 năm nay vì nhiễm mặn. Số diện tích còn lại canh tác lúa một vụ cũng 'nhờ trời' vì không có hệ thống thủy lợi. Dù đất ruộng lúa tại đây được đánh giá là khá phì nhiêu nhưng do những nguyên nhân bất lợi nói trên nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của người dân địa phương.
Phó trưởng thôn Tường Vân Trần Văn Sằn dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rộng 80 ha bao quanh thôn, vốn trước đây là ruộng lúa tươi tốt cung cấp nguồn lương thực chủ yếu cho người dân trong thôn, đến nay gần một nửa diện tích đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm.
Sau khi khảo sát một vòng, ông Sằn chia sẻ: “Đất ruộng lúa này nằm ven sông và đầm Hà Tây nên thổ nhưỡng rất tốt, canh tác lúa đạt từ 3 - 3,5 tạ/sào nhưng do nhiễm mặn nên nhiều diện tích đành bỏ hoang. Đất bỏ hoang nhiều năm nên đến nay các loại cỏ chát, cỏ năn mọc ken dày rất lãng phí. Hầu hết các hộ dân có ruộng mong muốn được các cấp, ngành có giải pháp hỗ trợ khắc phục tình trạng nhiễm mặn để trồng lúa trở lại nhằm chủ động nguồn lương thực tại chỗ”.
Ông Sằn cho biết thêm, khoảng những năm 2000, khi đó phong trào nuôi tôm ở khu vực đầm Hà Tây và ven sông bao quanh thôn Tường Vân phát triển rất mạnh. Nhờ nuôi tôm, những năm đầu nhiều hộ gia đình đã đổi đời nhanh chóng. Cùng với lợi nhuận lớn từ tôm cũng khiến nhiều gia đình xem nhẹ việc trồng lúa. Bên cạnh đó, chỉ khoảng 2 năm sau khi phong trào nuôi tôm rầm rộ diễn ra, nhiều diện tích canh tác lúa của người dân ở phía mặt trong các khu hồ nuôi tôm bị nhiễm mặn từ nguồn nước thấm vào từ hồ tôm. Nhiễm mặn dần dần, đến nay đã có hơn 38 ha/80 ha ruộng lúa của thôn đã bị bỏ hoang hoàn toàn.
Số diện tích trồng lúa còn lại do thiếu hệ thống thủy lợi nên cũng canh tác “nhờ trời” và chỉ làm được một vụ. Nếu thời tiết thuận lợi thì lúa một vụ cũng đạt năng suất cao, tuy nhiên nếu lúa trổ đúng vào thời điểm khô hạn thì nhiều gia đình buộc phải đặt máy bơm khoan để cung cấp nước tưới cho ruộng khá tốn kém. Trong tổng số diện tích ruộng bị bỏ hoang thì có 9 ha khu vực vùng Cựa ở ngay trung tâm của thôn, có vị trí phía trước tiếp giáp với khu hồ tôm, phía sau giáp ngay với khu dân cư đang sinh sống với khoảng 18 hộ. Ruộng nhiễm mặn và bị bỏ hoang không canh tác được đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Tấn Còn, hộ dân có nhà ở trước khu ruộng bỏ hoang ở vùng Cựa cho biết: “Nhà tôi ở khu vực này, buổi chiều thường có hơi mặn bốc lên bị gió thổi vào nhà khiến người rít rát rất khó chịu. Hơi mặn cũng làm cho sơn nhà nhanh xuống màu, tường nhà nhanh xuống cấp, mái tôn và các loại vật dụng, đồ dùng vật liệu sắt thép bị gỉ sét rất nhanh”. Cũng theo ông Còn, do trong khu vực đã bị mặn xâm nhập nên nguồn nước sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn. Người dân hầu hết phải mua nước bình đóng sẵn để dùng cho ăn uống, mỗi gia đình tốn hàng trăm nghìn đến tiền triệu mỗi tháng. Nước tắm giặt, rửa thì dùng nước mưa tích trữ hoặc từ giếng khoan không đảm bảo chất lượng. Hộ khó khăn không có điều kiện thì dùng nước giếng bơm lọc qua bể lọc nhiều lớp để nấu ăn uống, nhưng nước vẫn có vị lơ lớ rất khó chịu.
“Gia đình tôi cũng có canh tác khoảng 10 sào ruộng lúa nhưng do nhiễm mặn nên bỏ hoang khoảng 5 sào. Ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc rất lãng phí. Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được hỗ trợ cải tạo đồng ruộng để gieo cấy lúa trở lại”, ông Còn nói.
Cũng sống ngay sát ruộng lúa bỏ hoang ở vùng Cựa, gia đình ông Nguyễn Văn Anh bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng nhiễm mặn. Ông Anh cho biết, do đất đai dần nhiễm mặn nên trồng hoa màu và các loại cây cối trong vườn không hiệu quả.
“Do đất nhiễm mặn cũng như bị hơi mặn thổi vào nên trồng hoa màu thì hoa, quả đậu rất ít, lá thường úa tàn và chết nhanh. Muốn khoan giếng lấy nước tưới nhưng nếu khoan cạn thì không có nước, khoan sâu thì nước nhiễm mặn nên thật sự rất nan giải. Người dân chúng tôi vì bỏ hoang ruộng lúa nhiều năm nên phải mua gạo ăn hằng ngày khá tốn kém. Ruộng lúa, đất đai nhiễm mặn khiến nhiều thứ trở nên khó khăn với người dân thôn Tường Vân”, ông Anh cho hay.
Theo ông Trần Văn Sằn, trước thực trạng đất ruộng bỏ hoang hàng chục năm, cũng có hộ dân đề xuất cho chuyển đổi sang nuôi tôm. Tuy nhiên thôn không đồng ý bởi lo ngại việc nuôi tôm ở vùng ruộng bỏ hoang sẽ càng làm tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng hơn và mặn sẽ xâm lấn sâu hơn vào khu dân cư gây nhiều hệ lụy trong tương lai. “Vấn đề bức thiết và mong muốn trước mắt hiện nay của cán bộ và Nhân dân thôn Tường Vân là được các ngành cấp trên hỗ trợ xây dựng cho thôn 1,2 km tuyến kênh mương bê tông ở khu vực vùng Cựa đoạn tiếp giáp với khu hồ tôm. Tuyến mương có đáy rộng khoảng 1m, mặt mương rộng 2 m, chiều cao đáy mương lên mặt mương 1,2 m… để đảm bảo việc chống thấm mặn từ hồ tôm vào, đồng thời giữ lại nước ngọt phía trong ruộng để rửa mặn. Hy vọng khi tuyến mương được xây dựng thì trong khoảng 1 - 2 năm, nhiều diện tích ruộng ở thôn sẽ được rửa mặn và có thể canh tác lúa trở lại”, ông Sằn kiến nghị.
Nhận thấy việc ruộng bỏ hoang với diện tích lớn và trong thời gian dài ở thôn Tường Vân là hết sức lãng phí, trong khi người dân vẫn phải “chạy gạo” ăn hằng ngày nên chính quyền địa phương và các hộ dân đã có kiến nghị xin được hỗ trợ các giải pháp cải tạo đồng ruộng, trong đó có việc xây dựng tuyến kênh mương nói trên. Tuy vậy, đến nay niềm mong mỏi của người dân thôn Tường Vân vẫn chưa được hồi đáp. Mong rằng nguyện vọng chính đáng và bức thiết này sẽ sớm được các cơ quan chức năng liên quan quan tâm, có giải pháp hỗ trợ để có thể canh tác lúa trở lại nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ cho người dân nơi đây.