Cần có hướng dẫn cụ thể về các tội xâm hại tình dục trẻ em

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em mới đây, TP Hà Nội đã kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 bao gồm các Điều 124, 134, từ Điều 138 đến Điều 147; 149, 152, 153 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ trẻ em để đảm bảo nguồn lực cơ bản ở các cấp nhất là cấp xã trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với trẻ em nói chung, chính sách pháp luật với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

UBND TP cũng kiến nghị Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao cụ thể hóa các quy định trong Luật bằng việc xây dựng các văn bản hướng dẫn và quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành không chỉ nghiệp vụ mà các vấn đề có liên quan đến kỹ năng, phương pháp tiếp cận, điều tra, xét xử thân thiện với trẻ em để đảm bảo các quyền của trẻ em theo luật định.

Tình trạng trẻ em bị xâm hai đang có diễn biến phức tạp. Ảnh tư liệu

Tình trạng trẻ em bị xâm hai đang có diễn biến phức tạp. Ảnh tư liệu

Theo Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Văn Cường, các văn bản pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ độ răn đe. Pháp luật cũng chưa đưa ra được định nghĩa chính thức về các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chưa quy định nghĩa vụ và thủ tục tố giác bắt buộc đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại (cả trong hệ thống tư pháp và ngoài cộng đồng).

Bên cạnh đó, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bảo vệ người tố giác, về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và trách nhiệm của các ban ngành trong tiếp nhận, xử lý, can thiệp, hỗ trợ, phục hồi cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại... Do đó, chưa khuyến khích được nhân dân tích cực phát giác tội phạm, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật đối với tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đáng nói, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn, khiến việc thực hiện gặp khó khăn.

Theo ông Cường, cần có văn bản hướng dẫn, giải thích thống nhất về các khái niệm còn đang mâu thuẫn nhằm đảm bảo cách hiểu thống nhất và vận dụng đồng bộ trong thực tế (hướng dẫn về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, hành vi quan hệ tình dục khác...).

Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo về tâm lý học cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên trong đó có nhóm tội xâm hại trẻ em; thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em trong liên ngành tư pháp.

Liên ngành tư pháp các cấp cần xây dựng Quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em như chủ động phối hợp để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại. Trong đó, quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em…

Còn theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng đúng quy định về các tội xâm hại tình dục trẻ em TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể: Thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác; trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu…

Tính đến hết tháng 6-2019, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.694 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Trong đó: 13 cơ sở công lập (9 cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; 4 cơ sở tại cộng đồng do quận, huyện, thị xã quản lý); 28 cơ sở ngoài công lập; 1 Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP; Quỹ bảo trợ trẻ em TP; 1 văn phòng tư vấn bảo vệ trẻ em cấp huyện; 68 điểm tư vấn cộng đồng; 1.582 điểm tư vấn trường học. Toàn TP hiện có 10.916 cộng tác viên làm công tác trẻ em.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-co-huong-dan-cu-the-ve-cac-toi-xam-hai-tinh-duc-tre-em-160884.html