Cần có hướng xử lý các dự án 'treo'

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra hồi đầu tháng 12-2019, một trong những vấn đề 'nóng' được đưa ra chất vấn nhiều nhất tại nghị trường là xử lý các dự án chậm triển khai. Nhiều đại biểu đều có chung ý kiến là phải có biện pháp xử lý kịp thời các dự án kéo dài, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

TP.Biên Hòa là nơi có nhiều dự án kéo dài khó thu hồi (ảnh minh họa)

TP.Biên Hòa là nơi có nhiều dự án kéo dài khó thu hồi (ảnh minh họa)

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, qua các đợt giám sát của HĐND tỉnh, những đợt tiếp xúc cử tri, rất nhiều người dân phản ảnh về việc các dự án kéo dài không thực hiện làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó, người dân đề nghị chính quyền kiểm tra lại các dự án, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp. Nếu dự án kéo dài phải thu hồi để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

* Rà soát lại tất cả các dự án

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “UBND tỉnh cần tiến hành rà soát lại các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai trên địa bàn tỉnh, sau đó xác định rõ nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc. Nếu dự án gặp khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thì nhanh chóng tháo gỡ để doanh nghiệp thực hiện tiếp. Trường hợp những vướng mắc thuộc cấp Trung ương thì tổng hợp để kịp thời kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ gỡ khó”. Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, dự án triển khai đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống cho người dân.

Ngoài gần 300 dự án bất động sản thì trên địa bàn tỉnh còn hơn 1,7 ngàn dự án lớn nhỏ khác đã được quy hoạch để triển khai. Trong số đó, cũng có không ít dự án kéo dài 5-10 năm chưa xây dựng xong. Các dự án nằm ở hầu hết các địa phương và rơi vào các lĩnh vực như: dự án đường giao thông, hồ chứa nước, công trình thủy lợi, nạo vét, nâng cấp các sông, hồ, suối để tránh sạt lở, ngập úng trong mùa mưa, xử lý nước thải các khu dân cư, các dự án xây dựng trường học...

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức, Nghị quyết 145/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thông qua danh mục 170 dự án sẽ thu hồi hơn 2.230 hécta trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 51 dự án chưa triển khai, có diện tích trên 1.417 hécta, chiếm gần 64% về diện tích cần thu hồi và 30% về số lượng dự án. Đó chỉ là riêng các dự án được HĐND tỉnh thông qua trong năm 2019, còn nhiều dự án những năm trước đó chưa triển khai tương đối nhiều.

* Xây dựng quy trình thu hồi dự án

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Sở đang xây dựng quy trình thu hồi các dự án chậm triển khai để trình UBND tỉnh phê duyệt. Như vậy, sau khi có kết quả tổng hợp nguyên nhân từng dự án kéo dài, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, cố tình kéo dài để chờ thời sẽ bị thu hồi và mời gọi các nhà đầu tư đủ khả năng”.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ ưu tiên vốn triển khai các công trình hạ tầng giao thông để kết nối với các dự án khu dân cư, khu du lịch nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng xong dự án có thể đưa vào khai thác.

Thế nhưng, đất đai của Đồng Nai hiện đang có giá khá cao, các dự án phải thu hồi đất sẽ gặp khó khăn, vì giá bồi thường có thể bị đội lên từ 20-200% so với 2-3 năm trước. Như vậy, những nhà đầu tư không đủ mạnh về tài chính khó có thể triển khai tiếp dự án. Theo đó, ban hành một quy trình cụ thể để thu hồi dự án kéo dài là rất cần thiết. Các sở, ngành, địa phương có thể căn cứ vào quy trình trên để kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án theo đúng quy định.

Ngoài ra, sau khi UBND tỉnh có quy định cụ thể thì các doanh nghiệp được cấp phép dự án trên địa bàn tỉnh cũng không dám “ôm” đất để “chờ thời” nữa. Nhiều dự án triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần giúp cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/can-co-huong-xu-ly-cac-du-an-treo-2979231/