Cần có kế hoạch 'sống chung với virus Covid-19, không phải sống chung với dịch'
Việt Nam cần xem xét khẩn trương và cẩn trọng việc sống chung với virus Covid-19 và các biến thể như đã từng sống chung với nhiều loại virus khác.
Đang “thiết quân luật”, lo chạy ăn từng bữa qua ngày chưa xuể, bàn chi chuyện xa vời du lịch. Nghĩ vậy không sai nhưng chỉ đúng trước mắt, làm gì cũng phải tính chuyện đường dài!
Cuộc đời mỗi người hay lịch sử từng quốc gia là cuộc đua marathon trường kỳ. Đời người có hạn, dài ngắn có thể khác nhau nhưng không biết trước cụ thể. Lịch sử quốc gia thường tính bằng thời gian hàng trăm, hàng ngàn năm. Marathon đời người hay marathon quốc gia đều phải chuẩn bị, rèn luyện thể lực, phân phối sức bền, biết tăng tốc khi cần thiết để giành kết quả tốt nhất.
Làm gì cũng phải chuẩn bị, chuẩn bị càng tốt hiệu quả càng cao; tất cả thất bại đều do thiếu chuẩn bị, chủ quan, thụ động. Đợi nước tới chân mới nhảy thì không kịp. Cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM ngày càng gian nan, chưa biết lúc nào khống chế được. Có điều chắc chắn là không thể kéo dài phong tỏa quá lâu. Thảm họa dịch bệnh chưa xảy ra nhưng thảm họa kinh tế đã thấy khá rõ, phải chiến thắng dịch bệnh bằng mọi cách với giá thấp nhất có thể.
TP.HCM giãn cách xã hội đã hơn 2 tháng theo Chỉ thị 15 rồi lên Chỉ thị 16 và 16+ với nhiều biện pháp ngày càng quyết liệt, mục tiêu là ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng. Thoạt nhìn, rất logic, khi người dân “ai ở đâu, ở yên đấy”, không tương tác, người bị nhiễm sẽ không lây cho người khác. Như vậy, phong tỏa nhằm 3 giảm: lây lan - nhập viện - tử vong.
Nhưng thực tế không giống lý thuyết. TP.HCM bắt đầu phong tỏa từ đầu tháng 7, khi số ca mỗi ngày từ 137 ca (ngày 20/6) lên 464 ca (ngày 1/7). Sau khi phong tỏa, số ca tiếp tục tăng rất nhanh, lên đến 5.889 (ngày 30/8). Sự gia tăng lây lan rất đúng với quy luật bệnh truyền nhiễm, số ca nhập viện và tử vong cũng gia tăng.
Tính đến hết ngày 11/9, tỷ lệ tử vong của Việt Nam là 15.018/601.349 ca, gần 2,5%. Tỷ lệ này ở Ấn Độ là 1,34% (439.361/32.851.586 ca); Campuchia là 2,05% (1.916/93510 ca); Thái Lan là 0,98% (11.841/1.200.000 ca).
Vì nhiều lý do, việc phong tỏa không làm giảm số ca nhiễm và số ca tử vong. Một trong những nguyên nhân là dịch đã bắt đầu bén rễ từ tháng 5/2021. Những con số vào tháng 6,7,8 chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Khi thành phố phong tỏa thì dịch đã lan quá rộng.
Từng bước dỡ bỏ phong tỏa
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi”. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng xác tín: “Không thể khống chế tuyệt đối, phải sống chung lâu dài với dịch”. Nói rõ hơn là dịch bệnh có thể khống chế, tạm thời mất dấu nhưng virus thì không. Chúng vô hình nhưng có mặt khắp nơi. Vấn đề là phải tăng sức đề kháng và cảnh giác cao độ.
Phong tỏa là biện pháp sau cùng trong đại dịch được đa số các quốc gia sử dụng dù chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Dù chiến lược phòng chống từng nước có khác biệt nhưng đều chung đáp số “Vaccine tiêm chủng đủ liều”. Việt Nam đang chạy đua để có nguồn vaccine và tiêm chủng phủ sóng, trước khi từng bước dỡ bỏ phong tỏa.
Các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao đã gỡ bỏ phong tỏa. Một số nước tiêm chủng chưa đạt ngưỡng cần thiết vẫn mở cửa dần từng vùng. Có những nước chủ động mở cửa, dù số ca nhiễm vẫn cao nhưng hoạt động gần bình thường. Chắc chắn họ có những tính toán cụ thể mới dám mạo hiểm chứ không thể chủ quan, làm đại.
Thực tế chống dịch ở Việt Nam đã lộc lộ nhiều bất cập. Từ việc thay đổi chiến thuật kiểu "sáng nắng chiều mưa" đến sự tùy tiện của các địa phương lẫn cấp thừa hành. Từ cực đoan buộc F1 cách ly, phong tỏa toàn bộ khu vực đến chủ trương sống chung với dịch nhưng thiếu sự chuẩn bị và giải quyết an sinh. Từ giấy đi đường, đi chợ hộ đến cấm shipper, xử lý tin đồn…
Tất cả là do thiếu chuẩn bị nên bị động, lúng túng! Việc sống chung với virus Covid-19 và các biến thể (không phải sống chung với dịch) như đã từng sống chung với nhiều loại virus khác cần được xem xét khẩn trương và cẩn trọng.
Có kế hoạch hành động thống nhất cả nước: “Tiêm chủng vaccine - An sinh xã hội – Gỡ phong tỏa – Phục hồi kinh tế - Hướng dẫn và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Chỉ F0 nặng mới đưa vào viện – Thực hiện triệt để 5K”.
Du lịch chủ động chuẩn bị
Là ngành kinh tế quan trọng, bị thiệt hại nặng nề nhất nên du lịch cần được ưu tiên phục hồi như các ngành chủ lực khác. Chẳng nước nào không có ngành du lịch, duy trì sản xuất, mở cửa giao thương và du lịch là việc cấp bách. Các nước đang khẩn trương “nhanh mà an toàn”, chứ không đủng đỉnh kiểu “chậm mà chắc”.
Mở cửa, ngành du lịch cần làm nhanh, có kế hoạch thống nhất với từng bước đi trong tổng thể của chính phủ.
Thứ nhất, tiêm vaccine vượt ngưỡng của WHO cho người dân các vùng thí điểm. Đầu tiên là Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Giờ (TP.HCM). Lần lượt là hòn Tre, hòn Tầm (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), Cát Bà (Hải Phòng), Hội An (Quảng Nam), các khu resort và phức hợp biệt lập… và các vùng trọng điểm của từng địa phương khác. Có phương án dự phòng nếu dịch tái bùng phát.
Thứ hai, bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt do dịch bệnh, vì cơ sở ngưng hoạt động gần hai năm nay. Thay thế các trang thiết bị xuống cấp. Đảm bảo nguồn dịch vụ cung ứng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Làm mới sản phẩm, đặc biệt là thái độ và tinh thần phục vụ.
Thứ ba, tổ chức PR, có khuyến mãi độc, lạ; từ chính sách giá, tích điểm đến quà tặng để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Kết nối các đường bay quốc tế, quốc nội trọng điểm. Tích cực tham gia hệ thống “Hộ chiếu vaccine” toàn cầu và “Thẻ xanh vaccine” nội địa.
Thứ tư, xác định Y tế là quân chủ lực chống dịch. Các lực lượng vũ trang chỉ hỗ trợ chứ không thể làm thay. Phân định quyền hạn và trách nhiệm cá nhân từng cấp. Muốn chống dịch hiệu quả, người dân phải được trang bị thêm “Vũ Khí”. Phong tỏa chỉ là ẩn nấp và đề phòng.
Thứ năm, ngoài vũ khí 5K truyền thống, cần bổ sung thêm 3K. Đó là Không khí trong lành (về với thiên nhiên, giữ vệ sinh môi trường sống) – Khỏe mạnh cả tinh thần (tự tin, không hoang mang, hoảng hốt) lẫn vật chất (ăn uống, dinh dưỡng đủ chất) – Không nói nhiều (thay bằng việc làm cụ thể, thiết thực).
Không thể chủ quan, làm liều với dịch bệnh, càng không thể để “Trâu chậm, uống nước đục” rồi đổ tại và bị.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng