Cần có kế hoạch tổng thể và dài hạn về vấn đề lát đá vỉa hè

Điệp khúc cứ đến cuối năm là hàng loạt tuyến đường, vỉa hè tại Thủ đô lại được đào xới duy tu, lát đá ngổn ngang. 'Căn bệnh kinh niên' này diễn ra trong nhiều năm không chỉ cản trở lớn đến giao thông mà còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Thấy đào đường... là thấy Tết

Ghi nhận của PV, nhiều tuyến đường tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy... cứ đến cuối năm lại được đào xới, cải tạo. Hoạt động này diễn ra rầm rộ gây nhiều bất lợi cho việc di chuyển và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt vật liệu xây dựng như đá, cát, xi măng để ngổn ngang và nhiều “hố tử thần” xuất hiện gây nguy hiểm cho người đi bộ. Tập kết vật liệu khiến lòng đường bị thu hẹp, thi công ở một điểm nhưng vật liệu tập kết thì kéo dài cả con phố.

Chị Quỳnh (trú tại quận Hà Đông) cho biết, nhà chị sống gần đây, ngày thường chị hay cùng con nhỏ đi bộ trên đường Lê Trọng Tấn như một hình thức rèn luyện sức khỏe, tránh xa tivi và điện thoại. Nhưng kể từ khi các đơn vị bắt đầu thi công thì chị chỉ quanh quẩn trong nhà.

“Sửa chữa đường phố khang trang sẽ làm cho Thủ đô văn minh sạch đẹp hơn. Tuy nhiên làm dồn dập cuối năm cũng có nhiều bất cập khi mật độ người và phương tiện lưu thông dịp cuối năm tăng cao. Mong việc thi công sẽ sớm hoàn thiện để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, chị Quỳnh nói.

Tại phố Hàng Cháo, Hồ Đắc Di (quận Đống Đa, Hà Nội), vỉa hè cũng đang được đào lên để lát đá mới. Đáng chú ý là vật liệu thực hiện thi công đá lát vỉa hè tràn xuống cả lòng đường, không chỉ lấn chiếm hành lang đường bộ mà còn gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhiều hộ dân.

Nhiều hộ kinh doanh quán ăn ngao ngán: “Hoạt động đào xới vỉa hè, lát đá mới khiến cho kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách không có chỗ để xe, lại bụi bặm nên sẽ không ghé quán, doanh thu sụt giảm có thể tới 70%.

Có những đoạn vỉa hè đang thi công, bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông. Nhiều đoạn vỉa hè đã được hoàn thiện song nguyên vật liệu vẫn còn tập kết ngổn ngang, bừa bãi gây cản trở lối đi của người đi bộ và mất mĩ quan đô thị”.

 Tình trạng đào đường, lát đá vỉa hè cuối năm tại Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: TL

Tình trạng đào đường, lát đá vỉa hè cuối năm tại Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: TL

Bên cạnh nhiều tuyến đường vỉa hè đang được chỉnh trang mới còn một số tuyến vừa được nâng cấp, sửa chữa cách đây không lâu nhưng đã có hiện tượng hư hỏng hay có đơn vị khác đào lên để thi công hạng mục khác như điện, viễn thông, thoát nước.

Năm 2016, TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành sẽ được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững, tuổi thọ lên đến 70 năm.

Tuy nhiên tình trạng xuống cấp, nứt vỡ đá lát vỉa hè chỉ sau một thời gian sử dụng xuất hiện tại nhiều tuyến phố, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về chất lượng thi công, độ bền của đá lát và trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND các quận.

Đặc biệt năm 2018, Thanh tra TP. Hà Nội đã có kết luận chỉ rõ nhiều tồn tại, sai phạm tại các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè những tuyến phố trên địa bàn như thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất.

Công tác quản lý sử dụng, bảo trì vỉa hè sau đầu tư tại một số nơi chưa được đảm bảo. Việc quản lý và sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt nên đã gây ra hư hỏng, xuống cấp.

Cần có kế hoạch cụ thể, phù hợp tránh dồn dập cuối năm

Những chiến dịch đại tu, chỉnh trang vỉa hè trong suốt thời qua không làm cho Hà Nội đẹp hơn lên mà thậm chí còn tạo nên sự nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và khiến cho không ít người giật mình về chất lượng cũng như hiệu quả từ nguồn kinh phí lớn bỏ ra hay không?

Liệu chúng ta có học được cách quản lý chuyên nghiệp, trách nhiệm và có văn hóa trong xây dựng, quản lý đô thị mà đơn giản nhất là bắt đầu từ vỉa hè?

KTS. Trần Huy Ánh nhìn nhận, về nguyên tắc, vật liệu lát hè phố phải thấm được nước, có độ thẩm thấu khi mưa nhưng việc dùng đá tự nhiên thì không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm.

Đó còn chưa kể đến việc dùng đá tự nhiên lát vỉa hè là vật liệu không thân thiện với môi trường, đi ngược với xu hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh. Bởi vậy theo ông, Hà Nội chỉ nên chọn thí điểm ở một vài địa bàn trung tâm hoặc khu phố du lịch sẽ hiệu quả hơn.

 Cần lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn về vấn đề lát đá vỉa hè. Ảnh: TL

Cần lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn về vấn đề lát đá vỉa hè. Ảnh: TL

Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần phân loại các tuyến phố để bố trí hợp lý việc lát đá. Có tuyến phố chủ yếu là các công trình công cộng, có tuyến phố xe máy đi lên, có tuyến phố đi bộ, có tuyến phố ô tô ra vào thường xuyên.

Căn cứ vào chức năng của từng tuyến phố để cân nhắc nên lát đá vỉa hè hay không. Khi chưa có đánh giá, nghiên cứu, phân loại tuyến phố phù hợp mà “ồ ạt” triển khai ở các tuyến đường phố thì cần phải nhìn nhận lại.

Nếu cứ làm mà vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa thì rất tốn kém, lãng phí. Thậm chí, có nhiều tuyến lát đá, cải tạo vỉa hè mà chưa hạ ngầm. Rồi lúc thì đơn vị điện lực, đơn vị thông tin, thoát nước đào lên, lấp xuống thì lại càng lãng phí và tốn kém.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là về vật liệu. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện làm chủ đầu tư và ở đây xảy ra việc thiếu giám sát về nguyên vật liệu.

Ngoài ra là thiếu giám sát về quá trình thi công. Đối với lát đá vỉa hè, phải có lớp nền bê tông, nhưng thường không đảm bảo theo quy định. Đặc biệt với những tuyến vỉa hè có cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, bố cục khác nhau, ngay như rễ cây khác nhau phải xử lý cụ thể thế nào cũng chưa có hướng dẫn.

Về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào xới. Bởi đây là giai đoạn giao thông căng thẳng nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh buôn bán nhộn nhịp, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Điều kiện thời tiết, cuối năm cũng không hề là thời điểm phù hợp để đào đường ở Hà Nội do thời tiết hanh khô. Bụi từ mặt đường, bụi từ các dự án nay lại thêm hàng loạt vỉa hè, tuyến phố bị cày xới khiến không khí sẽ càng ngột ngạt, ô nhiễm.

Cuối năm giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu, nhân công cũng sẽ tăng cao hơn; có lẽ đây cũng không phải là thời điểm để thi công tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách. Nhưng khi bị “ép tiến độ” thì sẽ phải mua, phải thuê bằng bất cứ giá nào.

Do đó các kế hoạch sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp. Có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân vào dịp cuối năm, còn dịp trong năm thì sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để nó hạn chế ảnh hưởng tới người dân.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-co-ke-hoach-tong-the-va-dai-han-ve-van-de-lat-da-via-he-post326350.html