Cần có lộ trình phù hợp

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành ngày 17.3 vừa qua là Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình để chuyển biện pháp phòng, chống dịch từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B...

Bình luận về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho rằng, đây là quan điểm đúng và hợp lý nhưng cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Mục đích là vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết. Bởi để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B cần căn cứ vào nhiều yếu tố như thực tế diễn biến dịch, chủng virus đang lưu hành, tổng số ca tử vong/ca mắc, số ca bệnh nặng, nguy kịch, độ bao phủ vaccine, hiệu quả của thuốc điều trị.
Ngoài ra, còn phải tính đến khả năng đáp ứng của nước ta về khả năng kiểm soát dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như vấn đề tài chính. Đặc biệt, khi xây dựng lộ trình cần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành chứ không chỉ riêng Bộ Y tế. Ý kiến khác cũng cho rằng, để coi là bệnh dịch lưu hành, điều kiện tiên quyết là dịch ổn định, không biến động lớn về ca mắc, ca tử vong. Miễn dịch cộng đồng cũng phải ở mức cao để ngăn chặn bùng phát dịch diện rộng, hệ số lây nhiễm trở về gần bằng 1. Cùng với đó hệ thống y tế phải đáp ứng được năng lực điều trị, cấp cứu người bệnh; tâm lý người dân phải ổn định, không lo sợ, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe phải được nâng cao.
Ở góc nhìn khác, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển phân tích: nếu đánh giá để so sánh với các bệnh truyền nhiễm khác ở lứa tuổi trẻ nhỏ, Covid-19 vẫn là bệnh đáng lo ngại nên chưa thể chuyển sang nhóm B. Hiện nay chưa có vaccine dành cho trẻ, đặc biệt trẻ dưới 11 tuổi. Hơn nữa, tỷ lệ mắc còn rất cao, vẫn có trẻ tử vong liên quan đến bệnh nên chưa nên đưa Covid-19 ở bệnh nhi về nhóm B.
Thực tế, nếu chuyển Covid -19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực lên các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Ngoài ra, việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị… cũng có những thay đổi đáng kể, ví dụ như không còn hạn chế tập trung đông người; không bắt buộc cách ly người bệnh; không yêu cầu bắt buộc điều trị như đối với bệnh nhân nhóm A; không còn các đợt xét nghiệm diện rộng; không còn đếm số ca mắc; không có khái niệm F0; không còn việc miễn phí điều trị, cách ly. Người dân cũng sẽ phải chịu các chi phí điều trị.
Vậy nên, dù việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là quan điểm đúng và hợp lý nhưng việc thực hiện vẫn phải có lộ trình. Các chính sách phải được xây dựng phù hợp, sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, khả năng đáp ứng điều trị bệnh khác nhau, trong khi Covid-19 có nhiều tính chất đặc thù, phức tạp. Đặc biệt, cần chú ý bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-lo-trinh-phu-hop-3ncmuhxor2-81242