Cần có mô hình quản lý rủi ro hải quan phù hợp

Thời gian qua, thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nên chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp đã giảm rất nhiều.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu có mô hình quản lý rủi ro (QLRR) hải quan phù hợp, thủ tục thông quan hàng hóa XNK sẽ còn thuận lợi hơn nữa...

Giảm gánh nặng chi phí thông quan cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, những bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh thương mại. Kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa, làm cho các nhà XNK tốn thời gian, chi phí và làm ảnh hưởng nhiều nhất tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế, gánh nặng chi phí kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa cũng là vấn đề từng gây ra nhiều phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong khoảng chục năm trở về trước. Đây cũng là vấn đề được đưa ra rất nhiều lần khi Chính phủ làm việc, hay khi Quốc hội bàn thảo về tình hình kinh tế-xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ.

Bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Vì thế, số lượng kiểm tra chuyên ngành từ các bộ đã giảm với số lượng rất lớn.

 Lực lượng hải quan làm nhiệm vụ. Ảnh: THÙY LINH

Lực lượng hải quan làm nhiệm vụ. Ảnh: THÙY LINH

Mới đây, gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội khóa XV trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thời gian đầu của Bộ NN&PTNT gồm 251 nhóm sản phẩm hàng hóa, với 7.698 dòng hàng.

Đến nay đã cắt giảm được 5.288 dòng hàng (giảm 78% so với năm 2017); ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp hơn 21,6 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó đã thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành 14 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Số sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT hiện nay chỉ còn 1.639 dòng hàng.

Có thể nói, thời gian gần đây, công tác cải cách thủ tục thông quan hàng hóa, trong đó có hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã đạt được những kết quả rất tốt. Không riêng Bộ NN&PTNT, mà hầu hết các bộ, ngành đều đạt được kết quả rất đáng khích lệ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết quả ấy vẫn còn khiêm tốn. Chúng ta vẫn còn có thể cải tiến mạnh mẽ hơn, qua đó tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa, gỡ bỏ những nút thắt cuối cùng để dòng chảy hàng hóa XNK được thông suốt hơn, nhanh chóng hơn, qua đó tạo thêm dư địa cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Mô hình QLRR tốt cho cả Nhà nước và doanh nghiệp

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thông quan hàng hóa và người dân, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi nhiều hơn trong việc thông quan hàng hóa XNK thì cần có mô hình QLRR hải quan phù hợp.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã nhấn mạnh tới nghị quyết này; đồng thời khẳng định, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục cắt giảm loại hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường QLRR, không để xảy ra nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép, kiểm dịch thực vật và động vật; phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% chi phí tuân thủ...

Hiện tại, USAID đang hỗ trợ Việt Nam Dự án tạo thuận lợi thương mại trong 5 năm, từ 2018 đến 2023, với khoản ngân sách dự kiến 21,7 triệu đô la Mỹ. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận QLRR tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ là thành viên.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, việc áp dụng QLRR trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là cần thiết và phù hợp với yêu cầu cải cách, yêu cầu hội nhập quốc tế. Thời gian qua, nhờ áp dụng QLRR trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành nên thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK đã có bước cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, do chưa có cơ quan làm đầu mối chủ trì, quản lý chung các nội dung liên quan đến QLRR trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành nên thông tin, dữ liệu còn phân tán, chưa thống nhất, đồng bộ, cung cấp thông tin cho các bên liên quan chưa kịp thời.

Tại Hội thảo “Thực tiễn quốc tế tốt nhất về trung tâm QLRR liên ngành tập trung” do Tổng cục Hải quan phối hợp với USAID tổ chức cách đây ít hôm, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng Việt Nam nên thành lập mô hình trung tâm QLRR liên ngành tập trung.

Thượng tá Nguyễn Thế Hải, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an) nêu quan điểm, việc xây dựng trung tâm QLRR liên ngành tập trung là cần thiết để chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các bộ, ngành. Còn đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì dẫn thực tế cho thấy còn nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được áp dụng QLRR, từ đó thống nhất với quan điểm cần thành lập trung tâm QLRR liên ngành tập trung để việc QLRR bao phủ hết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Một số đại biểu cho rằng, việc triển khai Trung tâm QLRR rất phù hợp với yêu cầu số hóa của Chính phủ, góp phần hiện đại hóa, tự động hóa tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh quốc gia. Trung tâm QLRR liên ngành tập trung cũng mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan nhà nước khi được chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin kịp thời; cho cả người dân và doanh nghiệp vì có thể khai thác thông tin đầy đủ hơn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để công tác kiểm tra hàng hóa thông quan vừa thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân, vừa chặt chẽ nhất cho hoạt động quản lý nhà nước, rõ ràng mô hình trung tâm QLRR liên ngành tập trung là phù hợp hơn cả. Theo chúng tôi, cơ quan thường trực của mô hình trung tâm quản lý rủi ro này đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối hoạt động của trung tâm. Trọng trách ấy nên được trao cho cơ quan hải quan, vì điều đó phù hợp với thực tiễn quản lý hoạt động XNK hàng hóa ở Việt Nam và cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Theo quy định tại Luật Hải quan thì rủi ro hải quan là nguy cơ không tuân thủ pháp luật về hải quan trong việc thực hiện XNK, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải. QLRR hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm xác định, đánh giá và phân loại mức độ rủi ro, làm cơ sở bố trí, sắp xếp nguồn lực hợp lý để kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các nghiệp vụ hải quan khác có hiệu quả.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-co-mo-hinh-quan-ly-rui-ro-hai-quan-phu-hop-697984