Cần có nhiều kịch bản chiếu sáng cho Hồ Gươm
Góp ý xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng tại Hồ Gươm, các chuyên gia đều cho rằng phải đảm bảo các yếu tố bảo tồn, tôn vinh kiến trúc, di sản quanh bờ hồ, hài hòa với cảnh quan…
Sáng 29-4, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về dự án “Chiếu sáng trang trí xung quanh khu vực Hồ Gươm”. Đây là một trong những dự án vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp ngày 29-3 với số tiền đầu tư dự án ước tính ban đầu là 113 tỉ đồng.
Phác thảo hệ thống chiếu sáng Hồ Gươm
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm ứng dụng chiếu sáng Signify - đơn vị tư vấn thiết kế dự án đã trình bày sơ bộ thiết kế hệ thống chiếu sáng quanh Hồ Gươm. Thiết kế này dựa trên ý tưởng của Công ty Concepto (một công ty thiết kế chiếu sáng nổi tiếng của Pháp) đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận từ tháng 10-2016.
Theo đại diện của Signify, hiện trạng chiếu sáng quanh Hồ Gươm đã qua nhiều lần thay đổi vào các năm 2010, 2015 với nhiều công nghệ khác nhau. Một số vị trí lắp đặt lộ diện, thiếu tính thẩm mỹ, gây chói mắt cho người đi dạo quanh bờ hồ. Tại nhiều vị trí hệ thống chiếu sáng đã bị hư hại, xuống cấp, hệ thống điều khiển trung tâm chưa được kết nối với Internet. Đặc biệt, hiện trạng chiếu sáng ban đêm màu sắc chưa cân đối, nhiều màu trộn lẫn.
Theo đó, Signify đưa ra ý tưởng thiết kế hệ thống chiếu sáng dựa trên xu hướng của thế giới hiện nay là lấy con người làm trung tâm, gắn với phát triển xanh, bền vững, làm nổi bật nét riêng của Hồ Gươm và áp dụng cách quản lý thông minh. “Hồ Gươm là viên ngọc giữa thủ đô rồi, giờ chiếu sáng làm sao cho hấp dẫn, làm nổi bật giá trị của Hồ Gươm, tạo sự gần gũi thân thiện, kết nối cảm xúc với người dân và du khách” - đại diện Signify cho hay.
Theo đó, đơn vị này phác thảo hệ thống chiếu sáng quanh Hồ Gươm với bốn lớp. Trong đó lớp một tạo điểm nhấn mặt nước hồ với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn…; lớp hai là hệ thống đường bao, cây xanh quanh bờ hồ; lớp ba với đường dạo xung quanh và lớp bốn là một số công trình quanh khu vực bờ hồ. Hệ thống chiếu sáng này sẽ được kết nối với hệ thống điều khiển trung tâm, với bảy cụm điều khiển có kết nối Internet, điều khiển bằng phần mềm.
“Ví dụ điểm nhấn Tháp Rùa, nếu nói Hồ Gươm là viên ngọc giữa thủ đô thì Tháp Rùa là lõi của viên ngọc. Hệ thống chiếu sáng quanh đây sẽ tạo ra các lớp chiếu sáng làm nổi bật tháp rùa lung linh giữa Hồ Gươm về đêm với dấu tích trầm lắng thời gian, dấu tích lịch sử, cổ kính” - đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cho hay.
Hồ Gươm không cần trang điểm quá nhiều
Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình với hiện trạng hệ thống chiếu sáng của Hồ Gươm như hiện nay thì việc đầu tư hệ thống chiếu sáng mới để phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, nhu cầu phát triển phố đi bộ quanh bờ hồ là cần thiết.
PGS-TS-KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị, cho hay bản thân ông từng tham gia góp ý cho hệ thống chiếu sáng Hồ Gươm vào năm 2010 - dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Tôi nhớ cùng với lãnh đạo TP phải đi lại mấy lượt, chiếu sáng thử nghiệm mấy lần, riêng chiếu sáng Tháp Rùa phải sửa đi sửa lại trong suốt một tháng mới được hình ảnh Tháp Rùa lung linh mặt hồ trong đêm, gây nhiều cảm xúc cho người dân và du khách” - ông Khôi nói.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng cần thiết áp dụng kỹ thuật, công nghệ chiếu sáng cho Hồ Gươm nhưng không nên lạm dụng. Chiếu sáng Hồ Gươm phải đảm bảo các điểm nhấn, nêu được bản sắc, nét riêng của Hồ Gươm, ví dụ như các yếu tố bất biến như Tháp Rùa, cầu Thê Húc… Ông cũng đề nghị cần phải có quy hoạch về chiếu sáng quanh khu vực Hồ Gươm để tạo sự kết nối giữa không gian mặt hồ và phố phường, cảnh quan xung quanh.
Còn chuyên gia người Pháp - TS-KTS Emmanuel Cerise (Viện PRX, vùng thủ đô Paris) thì dẫn kinh nghiệm làm hệ thống chiếu sáng của Pháp là tuân thủ nguyên tắc thiết bị chiếu sáng phải được giấu đi, không tác động đến cảnh quan của công trình kiến trúc, nguồn sáng phải được giấu, khai thác được yếu tố tự nhiên, bản sắc của cảnh quan và công trình kiến trúc.
“Nguyên tắc chiếu sáng làm sao phải tạo ra cảm xúc cho người xem. Chẳng hạn như Tháp Rùa nếu như làm nổi bật với nhiều ánh sáng, gam màu sẽ không tạo ra sự rung động. Hãy đi theo nguyên tắc vừa đủ thôi. Hồ Gươm vốn đã là một cô gái đẹp, cho nên hãy trang điểm nhẹ nhàng cho cô ấy, chứ đắp quá nhiều son phấn thì từ đẹp lại thành xấu”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng hệ thống chiếu sáng Hồ Gươm phải giữ lại tối đa những dấu tích lịch sử từ những công trình còn lại quanh hồ, giữ lại vẻ đẹp “trầm mặc, sâu lắng” của Hồ Gươm. Ông cũng đề nghị cần có nhiều kịch bản chiếu sáng cho Hồ Gươm để vừa đáp ứng chiếu sáng vào ngày thường, vừa đáp ứng nhu cầu hoạt động của phố đi bộ, hoạt động lễ hội.
Đặc biệt, ông cũng đề xuất ứng dụng công nghệ đèn laser để tái hiện huyền tích lịch sử thần Kim Quy trao gươm cho vua Lê tại Hồ Gươm và chỉ chiếu trong một thời gian cố định vào ban đêm để tạo điểm nhấn cho không gian hồ.•
Tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của chuyên gia
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở ngành để hoàn thành hồ sơ thiết kế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Long nhấn mạnh việc thiết kế hệ thống chiếu sáng chắc chắn phải đảm bảo việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hồ Gươm, hài hòa với hệ thống cây xanh, mặt nước, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị của TP.
“Hệ thống chiếu sáng không được ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc vào ban ngày, đáp ứng được yêu cầu mỹ thuật, kỹ thuật, công nghệ, giải pháp kinh tế để có hệ thống chiếu sáng bền vững, phát huy được giá trị của di sản Hồ Gươm” - ông Long nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/can-co-nhieu-kich-ban-chieu-sang-cho-ho-guom-981904.html