Cần có những đổi mới trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên

Chiều 27/8, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và 10 năm thực hiện kết luận số 80 KL/TW về công tác thanh niên do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về khảo sát chuyên đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Theo báo cáo chuyên đề về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phát triển rộng khắp. Các ngành nghề đào tạo cũng đa dạng với 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp. Số thanh niên tham gia vào học nghề ngày càng tăng.

Giai đoạn 2021 - 2023, số lượng tuyển mới trình độ cao đẳng, trung cấp là gần 1,2 triệu người. Số tốt nghiệp là gần 900 nghìn người. Cả nước có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn đạt 16,3%. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương.

Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ làm trưởng đoàn làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chiều ngày 27/8

Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ làm trưởng đoàn làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chiều ngày 27/8

Đối với công tác giải quyết việc làm, giai đoạn từ 2011 - 2020, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Giai đoạn 2021- 2025, Quốc hội, Chính phủ không giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chỉ tiêu này. Hạn chế trong giải quyết việc làm cho thanh niên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn. Các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên. Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được cấp thẻ học nghề, còn đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện chưa được cấp thẻ, đồng thời các đối tượng này chưa được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng báo cáo về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng báo cáo về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, để tiếp tục thực hiện, triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về công tác thanh niên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng và triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề trong thời gian tới. “Cùng với đó, chúng tôi cũng đề xuất nên có Nghị quyết mới về công tác thanh niên, vì Nghị quyết cũ ra ra đời cách đây 15 năm, bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi từ luật pháp, quản lý nhà nước đến kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ kết luận buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, trưởng đoàn công tác đánh giá, các báo cáo, góp ý tại hội nghị đã rất đầy đủ trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Nhiều ý kiến từ các đơn vị thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được đưa ra sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm. Các ý kiến băn khoăn về một số vấn đề liên quan đến câu chuyện lao động, việc làm của thanh niên hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp thu và có sự điều chỉnh để góp ý vào báo cáo chung của ban chỉ đạo đạt kết quả tốt. “Thời gian tới, trong khi chờ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội căn cứ vào nghị quyết, tiếp tục thực hiện, triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên. Bộ cũng cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các văn bản mà Bộ đã ban hành liên quan đến công tác này để bổ sung ý kiến cho Nghị quyết mới ưu việt hơn. Tình hình thay đổi, khoa học công nghệ thay đổi, tư duy thay đổi và thời gian cũng đã lâu, nên chăng chúng ta cũng cần ban hành Nghị quyết mới về công tác thanh niên. Nhưng để ra được Nghị quyết mới thì rất cần có những báo cáo, đánh giá cụ thể từ các đoàn khảo sát, các cơ quan đơn vị có trách nhiệm tham gia”, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu chỉ đạo.

P.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-co-nhung-doi-moi-trong-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-cho-thanh-nien-i741821/