Cần có những giải pháp để nền kinh tế thực sự đột phá

Tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý II/2020 ước tính tăng 0,36%.

Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 6/2020 tăng 0,66% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. CPI quý II/2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Phân tích các tác động lớn đến CPI trong 6 tháng qua, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm nay liên tục giảm do dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu giảm, hỗ trợ kiềm chế lạm phát. Giá xăng dầu 6 tháng qua giảm trên 19% đã góp phần làm giảm 0,81% của CPI. Từ tháng 5/2020 đến nay giá xăng dầu trong nước lại có xu hướng tăng, riêng tháng 6-2020, giá xăng dầu làm CPI tháng 6 tăng mạnh. Dự báo xu hướng giá xăng dầu tăng còn có thể tiếp tục đến cuối năm nay.

Về giá thịt lợn, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, ngay từ cuối năm 2019, giá thịt lợn ở mức cao, bình quân tăng trên 11% so với trước đó. Tháng 12/2019, giá mặt hàng này tăng 49% so với tháng 12/2018. 6 tháng đầu năm 2020, giá thịt lợn cũng tăng bình quân 68,2%, đóng góp 2,86% vào mức tăng 4,19% của CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay, tức là chiếm gần 2/3 mức tăng CPI bình quân. Kéo theo đó, thực phẩm chế biến tăng theo.

“Giá thịt lợn tăng hoàn toàn do nguyên nhân cung - cầu. Cung thiếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã khiến sản lượng thịt lợn 6 tháng qua giảm 8,8% cùng kỳ năm ngoái, đàn lợn giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thịt lợn. Hy vọng, cuối năm nay, giá thịt lợn mới giảm”, bà Đỗ Thị Ngọc nói.

Liên quan đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay như Quốc hội đề ra, bà Đỗ Thị Ngọc nhìn nhận, ngoài diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, giá thịt lợn ở mức cao thì tháng 9 sẽ đến kỳ điều hành giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình với mức tăng khoảng 5-7%, tác động tăng CPI khoảng 0,3-0,35%...

Việc tăng giá sách giáo khoa lớp 1, tăng giá gas, dịch vụ du lịch - lưu trú vào khoảng tháng 8, tháng 9, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi giải trí cũng sẽ khiến CPI tăng lên. “Tuy vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được trong năm 2020”, bà Ngọc nói.

Tuy nhiên về vấn đề mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 ở mức 6,8% có đạt được hay không thì ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng 6,8%, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thực sự đột phá đối với nền kinh tế.

Theo đó, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Làm rõ vấn đề đẩy mạnh giải ngân đầu công sẽ hỗ trợ như thế nào cho tăng trưởng kinh tế 2020, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho biết, giải ngân đầu tư công sẽ kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị sản xuất. Nếu hoàn thành việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.

Về giải pháp để thúc đẩy cho đầu tư công thời gian tới, bên cạnh kiểm soát dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ cấp thiết cho sản xuất, kinh doanh, ông Vũ Đình Thúy cho biết, các bộ ngành địa phương cần tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc mặt bằng, khẩn trương thực hiện phê duyệt tiến độ thi công và khối lượng giải ngân, đồng thời tập trung nghiệm thu thanh toán. Về phía DN, cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của DN và toàn nền kinh tế.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/can-co-nhung-giai-phap-de-nen-kinh-te-thuc-su-dot-pha-601304/