Cần có phương án đảm bảo an toàn hồ đội 8 Sông Cầu
Sau khi tiếp nhận từ Công ty Chè Sông Cầu, năm 2014, UBND huyện Đồng Hỷ đã bàn giao hồ thủy lợi đội 8 cho thị trấn Sông Cầu quản lý và sử dụng. Theo thời gian, một số hạng mục của hồ xuống cấp, cùng với đó, tràn xả lũ bị bồi lấp, khiến lượng nước trong hồ dâng cao khi mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Lãnh đạo UBND thị trấn Sông Cầu cũng như người dân ở khu vực nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tới khu vực hồ thủy lợi đội 8 để thực tế. Qua quan sát, một phần lòng hồ và tràn xả lũ đã bị đất bồi lấp, một số hộ dân còn trồng cây lên phần đất này khiến việc thoát nước của hồ khi mưa lũ khó khăn. Cũng theo phản ánh của người dân, mùa mưa lũ năm nào khu vực hồ Đội 8 cũng xảy ra tình trạng nước dâng cao, khiến người dân bất an. Nhất là vào năm 2014, sau nhiều trận mưa to liên tiếp, mực nước trong hồ dâng tới hơn 1,5m so với ngày thường, khiến giao thông khu vực bị định trệ, toàn bộ phần sân của 2 điểm trường mần non và tiểu học của thị trấn Sông Cầu bị ngập sâu.
Cô Trần Thị Nhàn, giáo viên Trường Mầm non Sông Cầu lo lắng: Chúng tôi rất bất an khi điểm trường nằm sát hồ, chỉ được ngăn cách bằng bờ tường gạch cao hơn 1m. Có năm, nước hồ dâng cao gây ngập toàn bộ sân trường, có đoạn nước cao đến ngang bụng, cô và trò đều không thể ra ngoài. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như các giáo viên Nhà trường.
Trước thực trạng trên, UBND thị trấn Sông Cầu đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình ở khu vực không được trồng cây, đổ đất đá làm ảnh hưởng đến thân đập. Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu thông tin: Qua kiểm tra đánh giá, hệ thống mang cống của hồ bị thấm; xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước qua thân và nền đập. Đặc biệt, quá trình sạt lở đất khiến khu vực cửa xả lũ của hồ bị lấp, khó tiêu thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão. Chúng tôi đã đề nghị cấp trên quan tâm, đầu tư kinh phí để nạo vét đường xả lũ, lắp đặt cống hộp để tiêu thoát nước và sửa chữa thân đập.
Cũng theo lãnh đạo chính quyền địa phương, khi bàn giao hồ về cho thị trấn quản lý, UBND huyện chỉ bàn giao tại thực địa, chưa cắm mốc, không xác định được ranh giới giữa hồ với đất của các gia đình giáp ranh, dẫn đến việc một số hộ dân lấn chiếm lòng hồ, khó khăn trong công tác quản lý. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Trước những kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, chúng tôi đã cử cán bộ đến kiểm tra. Thực tế cho thấy, thân đập chính xảy ra hiện tượng sạt trượt phía thượng và hạ lưu; tràn xả lũ xuống cấp nứt vỡ nhiều nơi; lòng hồ bồi lắng, cống lấy nước rò rỉ... Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư để sửa chữa. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí sửa chữa lớn (khoảng 5 tỷ đồng) nên ở thời điểm hiện tại, huyện chưa triển khai xây dựng được. Hiện tại, UBND huyện đnag kiến nghị với các sở, ngành liên quan của tỉnh quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân.