Cần có quy định chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật

Ngày 14-7, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Nghị định gồm 4 chính sách: Trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu và lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của tổ chức, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quản lý hoạt động của cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; quản lý các tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cơ bản thống nhất với tinh thần đổi mới công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được tự do sáng tạo, hưởng thụ giá trị nghệ thuật trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới để bảo đảm hiệu lực và tính khả thi.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng lưu ý Ban soạn thảo về việc bổ sung quy định cụ thể hơn đối với trường hợp trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì thực tế hiện nay nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình giải trí có sự tham gia của trẻ em. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định...

Đáng chú ý, so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, hoạt động thi người đẹp, người mẫu diễn ra khá sôi động, ở cả Trung ương và địa phương với quy mô, cách thức tổ chức, tiêu chí đánh giá tương đối đa dạng, phong phú. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với thực tế hiện nay, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý với phương thức quản lý đổi mới trong dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá: Thời gian qua hoạt động biểu diễn diễn ra khá sôi động, rất nhiều "trái ngọt" nhưng không thiếu "trái đắng" nên cần nhìn nhận thấu đáo. Nghệ thuật là nhân sinh, phản ánh thời cuộc, nhưng thời gian vừa qua không thiếu các cuộc thi, buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ lệch lạc, méo mó trong đời sống.

“Có những cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường. Chúng ta cần phải nhìn nhận thấu đáo và có quản lý để phát triển văn hóa nghệ thuật bảo đảm đúng định hướng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Nghị định để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này, rà soát thêm sự thống nhất của Nghị định với hệ thống pháp luật, cân nhắc đưa vào Nghị định các nội dung cấm như xúc phạm phụ nữ, văn hóa các dân tộc…

Liên quan đến hoạt động thi người đẹp trong thời gian qua, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng hoạt động này bị lạm dụng, không có cuộc thi nào không xảy ra “lùm xùm”. Nếu không quản lý nghiêm có thể trở thành hoạt động kinh doanh “béo bở”. Đánh giá phương án phân cấp cho các địa phương thực hiện quản lý các cuộc thi người đẹp sẽ dễ dẫn đến tình trạng “loạn” các cuộc thi, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi.

Còn Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, bên cạnh các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Nghị định cần lưu ý công tác quản lý các hoạt động như biểu diễn đường phố, biểu diễn tại đám cưới, trẻ em hoạt động nghệ thuật…

"Qua theo dõi các cuộc thi trên truyền hình, tôi thấy các cháu nhỏ hát những ca khúc, bài hát của người lớn. Phải chăng cuộc thi đã làm các cháu “già” đi? Hãy để tuổi thơ của các cháu hồn nhiên, phát triển toàn diện, cho nên cần có quy định chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến và đề nghị có biện pháp quản lý tốt hơn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định, còn có những nội dung chưa rõ ràng, không còn phù hợp, vẫn tạo cơ chế xin-cho, phân cấp quản lý không rõ ràng...

Liên quan đến hoạt động quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc phân cấp cho các địa phương cần phải có sự cẩn trọng vì liên quan đến quyền con người, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc sửa đổi Nghị định cũng phải đúng với Luật Thi đua, khen thưởng, vừa bảo đảm giao lưu được văn hóa tiên tiến trên thế giới, nhưng lại phải đáp ứng được nhu cầu cẩn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-co-quy-dinh-chat-che-trong-viec-to-chuc-cac-cuoc-thi-bieu-dien-nghe-thuat-626913