Cần có quy định thống nhất để đẩy mạnh phòng, chống tội phạm về ma túy

Ngày 4/11, kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV tiếp tục họp phiên toàn thể để thảo luận về các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của Chính phủ về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Cần có quy định thống nhất để đẩ

Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Năm 2019, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ nên công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và qua thực tế triển khai ở địa phương, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo bà Phúc còn có những vướng mắc bất cập chưa được tháo gỡ.

Thứ nhất, về công tác phòng chống ma túy, thực tếtội phạm có nguồn gốc từ ma túy đã và đang gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây lo lắng trong nhân dân và tâm trạng bất an trong xã hội. Mặc dù đã được các ngành chức năng đẩy mạnh đấu tranh nhưng tình hình tội phạm vẫn không giảm mà tiếp tục tăng về số vụ và số đối tượng. Công tác quản lý tội phạm về ma túy như mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy chưa được chặt chẽ. Công tác quản lý đối tượng nghiện hút trong xã hội đang gặp những khó khăn nhất định, nhiều đối tượng nghiện hút chưa được quản lý chặt chẽ, lang thang ngoài xã hội gây tâm trạng lo lắng trong nhân dân. Hoạt động phối hợp trong công tác phòng chống ma túy chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức, sự vụ.

Đó là do việc triển khai thực hiện các qui định về phòng chống ma túy đang có những vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương. Cụ thể, về độ tuổi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang có những quy định khác nhau giữa Khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008 và Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Ngoài ra, quy định về thẩm quyền đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Khoản 2 Điều 2 luật Phòng chống ma túy và Khoản 2 Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không thống nhất.

Việc xác định tình trạng nghiện nhiều loại ma túy không thuộc nhóm ATS chưa có văn bản hướng dẫn chẩn đoán nghiện; việc đưa đối tượng nghiện đi xác định tình trạng nghiện trên thực tế rất khó khăn nếu đối tượng không cộng tác do chưa có văn bản qui phạm pháp luật qui định chế tài áp dụng. Mặt khác, việc xác định nơi cư trú ổn định, thường xuyên đối với người nghiện là khó khăn, nhất là đối tượng nghiện ở các tỉnh khác, do địa bàn xa, đi lại khó khăn nên việc xác định không bảo đảm thời gian theo qui định. Bên cạnh đó không có văn bản qui định trách nhiệm của cơ quan trả lời xác minh khi không thực hiện trả lời xác minh đúng thời hạn.

Theo đó, bà Phúc kiến nghị Quốc hội cần xem xét sửa đổi thống nhất độ tuổi của người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ đủ 12 tuổi trở lên để phù hợp tương xứng với các đối tượng vi phạm và phạm tội ngày càng trẻ hóa như hiện nay; xem xét sửa đổi thẩm quyền quy định biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa Luật Phòng chống ma túy và Luật xử lý vi phạm pháp luật hành chính cho thống nhất.

Đồng thời, các Bộ ngành liên quan sớm sửa đổi bổ sung Thông tư Liên tịch số 17 ngày 9/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ Công an theo hướng bổ sung các chất ma túy đá không thuộc nhóm ATS và có văn bản qui định rõ việc đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng không cộng tác và việc giữ người trong trường hợp theo dõi các triệu chứng của trạng thái cai để xác định tình trạng nghiện. Sớm có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về việc xác định nơi cư trú ổn định, cũng như cần qui định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng khi tiếp nhận yêu cầu xác minh nơi cư trú của người nghiện.

Thứ hai, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, làm cho người vay lâm vào tình cảnh khánh kiệt về tài chính; bắt giữ người trái phép … gây hoang mang dư luận; gây mất trật tự, an toàn xã hội. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng thực chất qua theo dõi việc xử lý hình sự đối với loại tội phạm này chưa nhiều. Trong khi đó, trong quá trình áp dụng pháp luật còn một số vướng mắc như: hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, qui định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản, về việc thu lợi bất chính trong trường hợp cho vay lãi nặng… chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng đã làm ảnh hưởng đến công tác mở rộng điều tra xác minh các tình tiết trong vụ án. Địa phương đã kiến nghị nhiều lần chưa được Bộ Công an tham mưu tháo gỡ.

Vì vậy, bà Phúc đề nghị Chính phủ chỉ đạo liên ngành Tư pháp sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo điều 201 Bộ luật Hình sự để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi Điểm d, Khoản 3, Điều 11 của Nghị định 167 qui định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước qui định tại thời điểm cho vay theo hướng bỏ tình tiết “có cầm cố tài sản” để phù hợp với thực tế, bảo đảm đồng bộ việc xử lý đối với hành vi này. Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể về việc thu lợi bất chính trong các trường hợp cho vay nặng lãi để đảm bảo thống nhất trong việc chứng minh và xác định số tiền thu lợi bất chính giữa các cơ quan tố tụng.

Khắc Điều

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/can-co-quy-dinh-thong-nhat-de-day-manh-phong-chong-toi-pham-ve-ma-tuy-122132.html