Cần có quy hoạch tổng thể để đón đầu nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực (Bài cuối)
Thực tế cho thấy, xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh ngày càng thực tế hơn. Do đó, để tăng sức hút cho các ngành Khoa học cơ bản, Nông lâm, Ngư nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của các trường rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ này bao gồm Nhà nước đặt hàng, có học bổng, cho vay vốn học tập không lãi suất, bố trí việc làm, chế độ lương bổng và điều kiện làm việc tốt.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực và giúp thí sinh có được “bức tranh” tổng thể trước khi lựa chọn ngành nghề.
Tăng cường quảng bá, xây dựng chính sách học bổng để thu hút người học
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: Giới trẻ ngày nay nhìn nhận về nghề nghiệp khác so với trước đây. Thí sinh đã thực tế hơn nên xu hướng các em lựa chọn ngành học dễ tìm việc làm, thu nhập cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngành khoa học cơ bản học vất vả hơn, nhưng ra trường lại khó xin việc và thu nhập thường ở mức thấp. Theo ông Khuyến, để thu hút người học, thay vì ngồi chờ thí sinh, các trường cần chủ động hơn trong việc truyền thông về hướng nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Từ năm học 2022 -2023, ĐHQG Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên của 18 ngành Khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học; tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Trong đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 9 ngành gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có 9 ngành gồm: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Văn học.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhà trường xây dựng chính sách học bổng để thu hút, hỗ trợ thí sinh, đó là dành 45 suất học bổng cho 9 ngành Khoa học cơ bản, mỗi một năm, sinh viên sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng để các em có thể yên tâm đầu tư vào học tập, nghiên cứu. Thực tế cho thấy, những ngành Khoa học cơ bản là những ngành then chốt để làm bệ đỡ cho những chính sách phát triển của chính phủ trong tương lai, vì vậy rất cần phải có những đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh chính sách học bổng, nhà trường cũng có những định hướng để có thể giúp sinh viên ứng dụng những kiến thức của các em vào đời sống. Ví dụ ngành Sử học đã phát triển thêm hướng nghiên cứu về đô thị học hoặc ngành Triết học đã có hướng phát triển thêm về Triết học và quản lý.
Còn theo GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nhà trường đã có kế hoạch quảng bá thêm về các ngành nghề khó tuyển trong thời gian tới, đồng thời liên kết với một số bộ, ngành, cơ quan như Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo cho sinh viên có cơ hội thực tập và có chính sách học bổng thu hút học sinh vào các ngành nói trên.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, câu chuyện những ngành xã hội rất “khát” nhân lực nhưng lại tuyển sinh ít không đơn giản chỉ là do tâm lý chọn ngành hot của thí sinh hay văn hóa tuyển sinh của các trường mà phức tạp hơn thế. Theo ông Quang, đối với ngành Nông nghiệp, sinh viên ra trường có thể kiếm được lương 20 triệu đồng/tháng ngay nhưng rất ít sinh viên theo học. Trong khi đó, có nhiều ngành hot, thí sinh thi vào nhiều nhưng ra trường chưa hẳn đã dễ kiếm việc làm.
“Một số ngành xã hội cần nhưng không tuyển sinh được không chỉ nằm ở chỗ trường có quảng bá tốt hay không, có học bổng thu hút người học hay không mà còn rất cần dự báo của Nhà nước cho biết nhu cầu thị trường sắp tới cần những gì để từ đó khuyến khích toàn xã hội tham gia và thí sinh có dữ liệu để tham khảo. Bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của các trường, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển sinh” - ông Quang cho hay.
Cần các giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, ngành Nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng rất nhiều. Tại nhiều địa phương, ngành Nông nghiệp rất phát triển, xuất khẩu tốt, thu nhập từ các ngành Nông nghiệp cũng khá cao, mang lại giá trị cho đất nước. Để thu hút học sinh đến với ngành học này, bà Lan cho rằng, ngoài tăng cường công tác truyền thông, hướng nghiệp, Chính phủ cũng nên có giải pháp như đặt hàng, hỗ trợ thêm cho các em sinh viên vì các em đều xuất phát từ những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, các em muốn học chương trình chất lượng cao thì phải đầu tư, thực hành, thực tập nhiều. Nếu không có chính sách đặt hàng, các em phải trả một khoản tiền học lớn, như thế sẽ là rào cản cho sinh viên có nguyện vọng vào những ngành học này.
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi nêu quan điểm: Không thể phủ nhận, xu thế của một số ngành liên quan đến Thương mại điện tử, Kinh doanh kỹ thuật số, Sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, các ngành Khoa học cơ bản, đặc biệt là Khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, bên cạnh nỗ lực của chính các trường đại học, Chính phủ cũng nên có các chính sách ưu đãi để thu hút học sinh chọn các ngành Khoa học cơ bản, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận: Hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai. Do đó, cần sớm có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực. Để làm được điều này, cần thiết phải có sự vào cuộc của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thống kê, dự báo xem nguồn nhân lực cần trong 5 -10 năm tới sẽ ra sao, từ đó công khai rộng rãi cho toàn xã hội và thí sinh tham khảo.
Về phía Bộ GD&ĐT, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về giáo dục đại học một cách đồng bộ, trong đó có hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp vừa để nghiên cứu, đồng thời giúp định hướng lựa chọn ngành học và việc làm cho người học. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực để từ đó cung cấp thông tin mang tính định hướng cho sinh viên lựa chọn chương trình học phù hợp; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của bên tuyển dụng lao động; đổi mới hoạt động của các trung tâm hướng nghiệp việc làm sinh viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc chênh lệch tuyển sinh giữa các ngành, các lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, theo ông Sơn, cũng có một số ngành dù yêu cầu nguồn nhân lực lớn nhưng vẫn khó tuyển sinh. Đây cũng chính là nghịch lý tồn tại trong nhiều năm trở lại đây. Xu hướng người học đổ xô lựa chọn ngành hot đã kéo theo điểm chuẩn ở một số nhóm ngành tăng đột biến, nhiều thí sinh có mức điểm 26, 27, thậm chí 29 điểm nhưng trượt đại học. Ngược lại, ở một số nhóm ngành như Môi trường, Khí tượng thủy văn, Địa chất, Tài nguyên nước, Nông-Lâm-Ngư… dù mức điểm xét tuyển thấp nhưng thí sinh vẫn không mấy mặn mà, trường vẫn bị “ế” chỉ tiêu.
Giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường đại học cần phải quan tâm tới những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn, đồng thời, khảo sát để có số liệu chính xác khi xây dựng chính sách, mở chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp giữa các trường đại học với trường THPT để các em học sinh hiểu rõ những ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Ngoài ra, cũng cần sự quan tâm của cơ quan Nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho những ngành như Khoa học cơ bản, Toán học và những ngành Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt những khó khăn cho sinh viên khi các em vào trường; sự đồng hành của các cơ quan truyền thông giúp học sinh có đủ thông tin, từ đó nhận thức đúng đắn hơn về việc lựa chọn ngành, nghề vừa phát huy tối đa năng lực bản thân, vừa phụng sự tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.