Cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa địa phương với các cơ quan báo chí

Theo Ban Quản lý Dự án 2, dự án đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài là 25,77km, gồm các xã: Thạnh Thới Thuận, Lịch Hội Thượng, Thạnh Thới An, Viên An, Viên Bình, Liêu Tú, Trung Bình và thị trấn Lịch Hội Thượng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 678 hộ gia đình, cá nhân và 4 tổ chức, khoảng 26 hộ đủ điều kiện tái định cư, 100 mồ mả bị ảnh hưởng. Hiện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã bàn giao 1.144/1.144 cọc. Huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thông báo thu hồi đất đến các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp hoàn chỉnh đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi theo quy định. Trong triển khai thực hiện khu tái định cư, đã tổ chức công khai phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến đối với 7 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án và được sự đồng thuận.

Các đại biểu dự họp về công tác tuyên truyền thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1tại Huyện ủy Trần Đề. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Thực hiện công tác tuyên truyền, đã tiến hành lấy ý kiến 548/706 hộ cá nhân và tổ chức; kết quả đạt 100% phiếu đồng ý. Đối với các nơi thực hiện khai thác vật liệu xây dựng dùng đắp nền đường của khu mỏ cát lòng sông Hậu phục vụ dự án, sau khi lấy ý kiến 48/48 hộ, 100% hộ đại biểu và nhân dân thống nhất. Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân về công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, địa phương đã thông tin trên Cổng thông tin điện tử huyện, lồng ghép vào các buổi biểu diễn, tuyên truyền lưu động, sử dụng kênh thông tin, mạng xã hội để tuyên truyền công khai, rộng rãi trong nhân dân. Bên cạnh triển khai các hình thức tuyên truyền, Tổ Tuyên truyền còn thường xuyên theo dõi phản ánh của người dân về dự án.

Theo đồng chí Lâm Tấn Hòa, các đề xuất, kiến nghị đặt ra đã được các sở, ban ngành, địa phương giải thích cụ thể, rõ ràng để việc triển khai dự án tốt hơn. Thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc về ý nghĩa các dự án, công trình trọng điểm. Trong đó, việc tuyên truyền không chỉ tập trung vào 4 công trình trọng điểm hiện nay mà còn các dự án, công trình khác góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Lâm Tấn Hòa ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của huyện Trần Đề trong công tác tuyên truyền về thực hiện dự án, qua kết quả đồng thuận, đóng góp ý kiến của người dân. Trong công tác tuyên truyền phải quan tâm, theo dõi sát sao dư luận xã hội, phản ứng người dân, lưu ý thời điểm áp giá đền bù để kịp thời nắm bắt thông tin. Đối với các báo cáo viên, tích cực lồng ghép tuyên truyền về lợi ích dự án trong các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể ở các nơi chịu sự ảnh hưởng của dự án. Việc sử dụng tờ rơi có nội dung tuyên truyền, giải đáp thắc mắc cho người dân, thực hiện tuyên truyền tại chỗ cũng là cách làm hay. Đối với các cơ quan báo chí địa phương, cần thiết xây dựng các chuyên mục, chuyên đề thông tin về dự án, đồng thời cập nhật liên tục, thường xuyên chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để người dân nắm rõ. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa địa phương với các cơ quan báo chí. Báo chí Trung ương có sự cộng hưởng với cơ quan báo chí địa phương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, sẽ tạo sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/1106/can-co-su-phoi-hop-chia-se-thong-tin-giua-dia-phuong-voi-cac-co-quan-bao-chi-63805.html