Cần có thêm chính sách đặc thù cho BĐBP
Do đặc thù chức năng, nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường xuyên công tác tại khu vực biên giới với rất nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, chế độ chính sách đãi ngộ dành cho BĐBP hiện còn hạn chế, chưa thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách đặc thù đối với BĐBP trong các văn bản pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước cần bổ sung thêm các chính sách đất ở, đất sản xuất, luân chuyển để cán bộ, chiến sĩ BĐBP có điều kiện đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình.
PGS.TS Vũ Đăng Hiến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần - quân sự, Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng: Tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước cần có các chính sách quan tâm tới vợ và con của người lính Biên phòng, bởi có “an cư mới lạc nghiệp”, gia đình yên ấm, thì người lính mới yên tâm công tác, người vợ mới vững tâm, động viên chồng thực hiện nhiệm vụ nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi người lính Biên phòng khi mang trên vai quân hàm xanh tất nhiên đều xác định trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân. Tuy nhiên, nếu có hậu phương vững chắc, họ sẽ yên tâm công tác và cống hiến. Theo tôi, Đảng và Nhà nước nên quan tâm tới nơi ở, đồng thời có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho những người vợ của cán bộ Biên phòng để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, thay chồng nuôi dạy con cái. Về giáo dục, nên có chính sách tạo môi trường giáo dục tốt cho con cái của người lính Biên phòng học tập như tạo các quỹ học bổng, miễn giảm học phí, học nghề...
Ông Thèn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang: Tôi nhận thấy, BĐBP rất vất vả, thường xuyên xa gia đình. Tại địa phương tôi, trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân gặp những khó khăn nhất định, không thể truyền tải bằng cách đọc văn bản. Điều này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để giao tiếp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách đơn giản, dễ hiểu nhất cho người dân. Bên cạnh đó, BĐBP còn rất gần dân, thường xuyên tới từng hộ dân để nắm bắt tình hình đời sống, tư tưởng của người dân, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Với đặc điểm địa hình đồi núi dốc, việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường biên, cột mốc của BĐBP rất gian nan, thường xuyên phải đi bộ, vượt rừng, leo núi. Do đó, việc giải quyết các sự vụ trên biên giới không được thuận lợi. Đặc biệt, trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, cho tới tận bây giờ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn đang cắm chốt trên biên giới, điều kiện ăn ở, đi lại rất khó khăn. Tôi mong rằng, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm tới BĐBP như đầu tư cơ sở đồn, trạm, làm đường tuần tra biên giới để BĐBP đỡ vất vả.
Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cán bộ Biên phòng về nhà ở, đất ở để vợ, con của họ có nơi ở ổn định. Có hậu phương vững chắc, người lính Biên phòng mới có thể yên tâm công tác. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng, có rất nhiều cán bộ Biên phòng có vợ là giáo viên. Nhiều gia đình ở trong cùng một tỉnh, nhưng vợ chồng cách xa nhau, có rất ít thời gian ở cùng nhau. Vì vậy, nên có chính sách quan tâm tới họ như tạo điều kiện cho giáo viên là vợ của cán bộ Biên phòng được chuyển công tác về gần địa bàn chồng công tác.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Nhôn Mai là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tương Dương, nằm ở phía Tây Nghệ An. Trong quá trình công tác, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Nhôn Mai để vận động học sinh đến trường duy trì tốt sĩ số học sinh hàng ngày và trong năm học, đồng thời tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định ở khu vực biên giới cho học sinh. Tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, lắng nghe tâm sự của người lính, tôi hiểu rõ sự vất vả, khó khăn nhưng cũng đầy tự hào với những chiến công và việc làm thầm lặng của họ. Gần dân, giúp dân, đảm bảo an toàn, an ninh vùng biên giới, BĐBP đã tạo được thế trận lòng tin trong nhân dân.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có các chế độ chính sách đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho BĐBP. Song thiết nghĩ, so với một số ngành nghề khác thì các chế độ đãi ngộ cho BĐBP vẫn còn hạn chế. Cán bộ Biên phòng luôn phải xa nhà, gánh nặng gia đình chủ yếu dồn vào vợ và người thân, do đó, ít nhiều tư tưởng của họ sẽ lo lắng, không yên tâm khi gia đình khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước cần có thêm các chế độ đãi ngộ đối với BĐBP trong thời gian trực ngày lễ, làm thêm giờ...; nên kéo dài thời gian luân chuyển công tác để họ yên tâm công tác; có hình thức hợp thức hóa gia đình cho BĐBP (ví dụ, khi họ đến công tác và xây dựng gia đình ở vùng này thì không nên điều động công tác ở vùng khác). Hậu phương có vững chắc thì bản thân cán bộ, chiến sĩ BĐBP mới ổn định tư tưởng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Si Phon, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang: Nhà ở sát đường biên giới Hà Tiên, nên từ nhỏ, tôi đã biết các chú, các anh Biên phòng. Sau này lớn nên, làm cán bộ thôn, ấp, công việc có nhiều liên quan đến chính sách người dân tộc, nên tôi càng có điều kiện gắn bó hơn, hiểu hơn về lực lượng Biên phòng. Là lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu gian khó, vừa phải đảm bảo giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, vừa sát cánh, gần dân, lo cho cuộc sống của người dân, có thể nói, BĐBP rất vất vả.
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979, các anh đã không quản ngại hy sinh xương máu, tính mạng để bảo vệ biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong thời bình, các anh lại gắn bó máu thịt với nhân dân. Các anh luôn gương mẫu đi đầu trong việc chăm lo cuộc sống, khám bệnh, dạy học, làm nhà cho nhân dân. Trong phòng, chống dịch Covid-19, người dân Mỹ Lộ lại được chứng kiến sự vất vả, hy sinh của các anh. Hàng chục tổ chốt, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bất chấp nắng mưa, thiếu thốn, luôn bám trụ trên biên giới 24/24 giờ trong những lều bạt dã chiến chật chội, nóng bức. Vài tháng gần đây, trong “cuộc chiến” chống buôn lậu qua biên giới Hà Tiên, đã có 6 cán bộ, chiến sĩ bị các đối tượng buôn lậu tấn công, gây trọng thương.
Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách riêng cho BĐBP, ví dụ như chế độ nhà ở, đất ở, bởi rất nhiều đồng chí đưa vợ con từ ngoài Bắc vào biên giới phía Nam, không có nhà cửa, phải đi thuê nhà ở, vợ không có việc làm nên rất khó khăn, vất vả.
Nhóm Phóng viên (thực hiện)
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-co-them-chinh-sach-dac-thu-cho-bdbp-post429765.html