Cần có thời gian chuyển tiếp trước khi bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu

Sáng 31-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bắt đầu Phiên họp toàn thể lần thứ 29 theo hình thức trực tuyến với việc cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Theo dự thảo báo cáo giải trình, về quy định chuyển tiếp thi hành luật vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1-7-2021.

 Đồng chí Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho biết, dư luận nhân dân đồng tình với đề nghị của Chính phủ vì những vướng mắc của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Chính phủ đã cam kết bảo đảm đủ về nhân lực, vật lực cho việc thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh mong các thành viên ủy ban cân nhắc. “Nguyện vọng của nhân dân là mong kết thúc sứ mệnh lịch sử của sổ hộ khẩu”, đại biểu nói.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đồng ý với loại ý kiến thứ nhất. Đến ngày 1-7-2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa thể được thực hiện xong. Khi ấy, nếu người dân muốn thực hiện các thủ tục hành chính mà không còn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ phải có thêm thủ tục xác nhận tình trạng cư trú. Như thế là phát sinh thêm giấy phép con. Vì thế, duy trì sổ hộ khẩu trong thời gian chuyển tiếp là cần thiết, không phải là thủ tục rườm rà hay gây khó khăn cho công dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đồng ý với loại ý kiến thứ nhất, trong lúc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thì cần dành thời gian chuyển tiếp để sổ hộ khẩu vẫn tồn tại, giúp người dân tiếp cận với cơ quan công quyền thuận tiện hơn. Thực tế, khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân, báo cáo giải trình đã khẳng định, đến 1-1-2020 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân sẽ chỉ cần mang số định danh cá nhân tới cơ quan công quyền là được giải quyết thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới phải đáp ứng đủ cả điều kiện về nguồn lực và con người, nếu chưa đáp ứng được điều đó mà bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì người dân sẽ phải gánh chịu hệ quả lớn nhất.

Đồng ý với loại ý kiến thứ nhất, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh, quy định giữ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tồn tại trong thời gian chuyển tiếp không phải là níu kéo cơ chế thủ công, lạc hậu, cũng không phải là việc "lo thay" khi Chính phủ đã khẳng định sẽ làm được. Thời gian qua, dư luận nói nhất nhiều về tính khả thi của luật và tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi. Do đó, với trách nhiệm của người xây dựng luật, đại biểu Quốc hội phải tính toán kỹ, sao cho luật ban hành ra có tính khả thi cao. Việc chưa bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng không làm hạn chế việc xây dựng Chính phủ điện tử. Ai cũng mong Chính phủ thực hiện phương thức quản lý cư trú mới càng nhanh càng tốt. Đến 1-7-2021, nếu Chính phủ thực hiện xong, người dân sẽ không cần đến sổ hộ khẩu khi chỉ cần có số định danh là thực hiện được thủ tục hành chính. Quy định chuyển tiếp chỉ mang tính dự phòng.

Giải thích về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, để bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thì phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định, quan trọng nhất là điều kiện kết nối giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính cho công dân. Nếu các cơ quan chưa kết nối được với nhau và với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân vẫn phải chứng minh nơi cư trú của mình khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9-2022 các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin để bảo đảm tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Vì vậy, trong giai đoạn chưa hoàn thiện hạ tầng kết nối các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công thì cần cho phép duy trì sổ hộ khẩu giấy trong thời gian nhất định. Khi hoàn thiện cơ sở kỹ thuật và người dân đã quen với phương thức quản lý cư trú mới thì sẽ thực hiện toàn bộ theo phương thức quản lý cư trú mới. Việc quy định thời gian chuyển tiếp là để không gây xáo trộn lớn cho cuộc sống của nhân dân.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-co-thoi-gian-chuyen-tiep-truoc-khi-bo-hoan-toan-so-ho-khau-633558