Cần có 'vaccine' bảo vệ trẻ em trước mối nguy hại từ Tiktok
Tiktok nổi lên như một hiện tượng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát; vượt mặt các 'đàn anh' Facebook, Youtube, Tiktok chiếm hữu số người sử dụng lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với trẻ em.
Bài toán hóc búa…
Theo số liệu công bố DataReportal, tính đến hết tháng 2-2023, Việt Nam có gần 50 triệu người dùng Tiktok, xếp thứ 6/10 quốc gia sử dụng nền tảng mạng xã hội này nhiều nhất thế giới. Bên cạnh những nội dung vui vẻ, hài hước, nhảy múa, hát nhép, chia sẻ yêu thương… thì những thông tin độc hại, quái dở, phản cảm cũng phát triển bắt nguồn từ Tiktok.
Khác với các “đàn anh” của mình, khi sử dụng mạng xã hội Tiktok, người dùng không cần gõ tìm kiếm, truy cập trang mà nội dung sẽ tự tìm đến bất cứ ai trong đó có trẻ em như những “kẻ săn mồi” thông qua thuật toán. Nhờ đấy, Tiktok định dạng được người dùng thích nội dung nào, tương tác nhiều nội dung nào, xem nhiều nội dung nào...? để tự động “dẫn dắt” người xem đến với các trend đang thịnh hành. Không ít trào lưu được chia sẻ trên Tiktok gây hại đến sức khỏe và tâm sinh lý của trẻ em.
Cần chung tay tìm lời giải...
Ở thời đại chỉ cần cầm điện thoại lên là có thể làm Idol TikTok kèm theo lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi giờ, mỗi ngày thì việc bắt gặp những video “chướng mắt” trên không gian mạng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chị D. (ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi thấy việc cấm cản con xem Tiktok hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào là điều rất khó, bởi cấm các cháu được ở nhà nhưng đến trường, lớp, ra ngoài các cháu xem cũng không thể kiểm soát được. Một số xu hướng Tiktok như: thử thách mất điện, thử thách 24h, thử thách quay lén … ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Việc nhận thức chưa đầy đủ về các thông tin giải trí khiến trẻ rất dễ bị cuốn, làm theo theo những trào lưu xấu xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội này”.
Thực chất, việc để trẻ tiếp nhận với các nội dung cũng một phần lỗi nằm ở phía phụ huynh nhưng không thể phủ nhận vai trò của chính “nhà sáng tạo” ra các trào lưu, video độc hại hiện nay. Anh Q. (ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) bộc bạch: “Công việc của vợ chồng tôi khá bận, đồng thời 2 đứa nhỏ ở nhà cũng phải dùng điện thoại, máy tính để học nên việc theo dõi con cũng gặp nhiều khó khăn. Có lần thấy cháu nhảy theo các bài hát trên Tiktok với động tác phản cảm khiến tôi rất bất ngờ. Các nội dung nhảm nhí, nguy hiểm thậm chí có phần độc hại tại sao lại được xuất hiện công khai, rầm rộ trên mạng như thế? Liệu các nội dung này có được kiểm duyệt chưa?”.
Trước tình trạng vi phạm và những hệ lụy nghiệm trọng mà Tiktok đã và đang gây ra đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em trước môi trường mạng. Để bảo vệ con em trước mối nguy hại trên phụ huynh cần lưu ý: Thứ nhất, kiểm tra những tài khoản đã xem hồ sơ Tiktok cá nhân; thứ hai, chuyển tài khoản sang chế độ riêng tư; thứ ba, ngăn đề xuất tài khoản, tin nhắn trực tiếp từ người lạ, người xem video đã thích và danh sách theo dõi; thứ tư: sử dụng tính năng “Gia đình thông minh” (Family Paring). Đồng thời, phối hợp cùng nhà trường giáo dục, nâng cao nhận thức giúp con em tiếp cận với mạng xã hội một cách an toàn và tự bảo vệ bản thân trên Internet . Mặt khác, sự vào cuộc của cơ quan chức năng có liên quan cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung “rác” hiện nay.