Cần có văn bản hướng dẫn xử lý cơ sở gây ô nhiễm
TP.HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thực hiện giám sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao (KCX, KCN, KCNC) và cụm công nghiệp trên địa bàn TP.
Đã kiểm soát ô nhiễm các khu chế xuất, khu công nghiệp
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, công tác bảo vệ môi trường tại các KCX, KCN đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP thường xuyên chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cùng với sự phối hợp tích cực của các đơn vị chức năng như Sở TN&MT, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường và UBND các quận/huyện. Bên cạnh đó, với vai trò quản lý Ban quản lý các KCX, KCN TP.HCM (Hepza) đã tích cực triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại KCX, KCN trên địa bàn toàn TP.
Theo đó, công tác bảo vệ môi trường tại KCX, KCN đã ổn định và kiểm soát được tình hình phát sinh ô nhiễm. Việc xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên, định kỳ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong KCX, KCN.
Đặc biệt, thời gian qua ý thức về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được nâng cao, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp chủ động cải tiến công nghệ, sử dụng các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường...
Quy định pháp luật về môi trường vẫn bất cập
Ngoài những kết quả đạt được, hiện các chính sách, quy định pháp luật môi trường vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật về quản lý môi trường.
Cụ thể, Nghị định 38/2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu ban hành từ năm 2015 nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tư quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường, thiếu quy định về tái sử dụng các chất thải phát sinh.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) cho biết mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 155/2016 tương đối cao, đủ sức răn đe. Thế nhưng việc chấp hành của các cơ sở chưa nghiêm, quy định pháp luật còn sơ hở, chồng chéo, thiếu nhất quán… đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.
Vì vậy, UBND TP.HCM đã có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ. Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh các nội dung liên quan đến nghị định đã ban hành, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường như Nghị định 18/2015, Nghị định 38/2015.
TP cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm… các biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để đơn vị vi phạm không có điều kiện tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết hầu hết các KCX, KCN, KCNC đã hoàn tất và đưa vào vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt và chất thải nguy hại cũng đang được giám sát chặt chẽ.