Cần coi trọng việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc sản

Việt Nam có hàng nghìn nông sản đặc sản vùng miền nhưng đến nay chúng ta đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc sản được rất ít. Không tham gia chuỗi liên kết nông sản, không đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc sản thì sẽ khó chứng minh được nguồn gốc nông sản và không tránh được sự lạm dụng, giả mạo danh tiếng để phát triển tràn lan.

Vụ vải thiều vừa qua, Bắc Giang và Hải Dương được mùa, thắng lớn trong xuất khẩu đặc sản của địa phương, kể cả khi phía nước ngoài yêu cầu nông sản nhập khẩu vào thị trường của họ phải được truy xuất nguồn gốc. Có được điều đó là vì vải thiều Lục Ngạn và vải thiều Thanh Hà đã chứng minh được chất lượng, nguồn gốc nông sản tham gia chuỗi giá trị, đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Giá bán tại thị trường trong nước của loại quả này vụ vừa qua cũng dao động từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng, cao gấp hai lần so với năm 2018.

 Mùa vải chín ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Mùa vải chín ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Chỉ dẫn địa lý có thể hiểu như việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, nhưng chứng nhận này còn cụ thể hơn vì sau khi sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng còn có thể biết rõ nguồn gốc sản phẩm từ khu vực, vùng lãnh thổ, quốc gia, địa phương, thậm chí từ hộ sản xuất nào. Việc bảo hộ sản phẩm bằng chỉ dẫn địa lý ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp gia tăng giá trị hàng hóa nên hiện nay cả thị trường trong nước và thế giới đều rất chú trọng đến khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thế nhưng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có tới hơn 90% nông sản xuất khẩu ở nước ta là dạng nguyên liệu thô không qua chế biến, giá trị thấp. Nhiều sản phẩm nông sản không có thương hiệu, nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này gây bất lợi cho nông sản Việt khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với nông sản đặc sản, như: Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); thanh long Bình Thuận; hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng); chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam); gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định); gạo nàng Nhen thơm Bảy Núi (An Giang)... thì mới chỉ có khoảng 75 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Điều này gây khó khăn cho các hộ nông dân khi chứng minh nguồn gốc nông sản tham gia chuỗi giá trị và dẫn đến những bất lợi cho họ nếu cạnh tranh không lành mạnh xảy ra. Các sản phẩm nông sản đặc sản luôn có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng vì chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý nên các thương lái, các doanh nghiệp, cá nhân nhiều nơi tự do gắn mác giả nông sản đặc sản hoặc nông sản có thương hiệu để đẩy giá cao, lừa dối khách hàng mà không bị cho là vi phạm pháp luật.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, sản xuất nông nghiệp đang hình thành sân chơi mới-sân chơi của doanh nghiệp với chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo thành chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn, truy xuất được nguồn gốc. Thế nhưng, nông nghiệp là ngành lợi nhuận thấp, rủi ro cao, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ tiền để làm điều này, dẫn đến họ phải đứng ngoài lề của sự phát triển. Mặt khác, trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng nhưng nhận thức của nhiều nông dân về chuỗi liên kết, về đăng ký chỉ dẫn địa lý lại chưa cao. Ngoài ra, có nhận thức nhưng năng lực và quy mô của chủ trang trại và các hộ quá nhỏ thì thường liên kết không thành công. Vì vậy, bên cạnh sự cần thiết hỗ trợ của Nhà nước cần nâng cao nhận thức của nông dân, không phải chỉ để họ hiểu về việc cần thiết khi tham gia chuỗi liên kết mà còn để nông dân có nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nông sản cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc sản, tránh sự lạm dụng, giả mạo danh tiếng để phát triển tràn lan.

Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Công ty Luật Hợp danh Sự thật cho biết: “Các địa phương, tổ chức, cá nhân nuôi trồng cây, con đặc sản cần đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để có căn cứ xử lý đối tượng vi phạm trước pháp luật và quan trọng hơn mới bảo vệ được nhãn hiệu, thương hiệu của mình. Nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý là những đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định rõ tại Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ sở hữu đối với tên thương mại chỉ dẫn địa lý có quyền định đoạt, cho phép, ngăn cấm người khác sử dụng tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm của mình đã được đăng ký và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Vì vậy cây, con đặc sản đã được đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì chủ sở hữu sẽ được pháp luật bảo vệ; người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định trong các nghị định của Chính phủ”.

KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-coi-trong-viec-dang-ky-bao-ho-chi-dan-dia-ly-cho-nong-san-dac-san-583304