Căn cứ của Wagner ở Libya bị tập kích bằng máy bay không người lái
Sau cuộc binh biến ở Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã trấn an các đồng minh ở châu Phi rằng hàng ngàn chiến binh Wagner được triển khai tới đây sẽ không bị rút lại
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào sáng sớm ngày 30/6 đã đánh trúng một căn cứ không quân ở phía Đông Libya được sử dụng bởi nhóm bán quân sự Wagner của Nga, nhưng không xảy ra bất kỳ thương vong nào, một quan chức quân sự nói với hãng thông tấn AFP.
Vị quan chức này cho biết, nguồn gốc của các cuộc tấn công trong đêm vào căn cứ không quân Al-Kharruba, cách thành phố Benghazi (thành phố lớn thứ hai ở Libya) khoảng 150 km về phía Tây Nam, là “không rõ”.
Căn cứ bị tấn công là “nơi có các thành viên của nhóm Wagner”, vị quan chức này nói, đồng thời cho biết thêm “không có nạn nhân nào”.
Libya đã bị giằng xé bởi hơn một thập kỷ xung đột không ngừng kể từ khi cuộc nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà độc tài Moamer Kadhafi, vốn cũng đã thu hút nhiều thế lực nước ngoài.
Quốc gia Bắc Phi này vẫn bị chia rẽ giữa một chính phủ lâm thời trên danh nghĩa ở thủ đô Tripoli ở miền Tây, và một chính phủ khác ở miền Đông đất nước do Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Cùng với các chiến binh từ Chad, Sudan, Niger và Syria được tuyển dụng làm lính đánh thuê, nhóm Wagner đang giúp sức cho Tướng Haftar.
Lính Wagner vẫn hoạt động ở miền Đông Libya giàu dầu mỏ cũng như miền Nam của đất nước, mặc dù một số đã rời đi để chiến đấu ở Mali và Ukraine.
Sau cuộc binh biến thất bại do ông chủ Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, phát động ở Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có động thái trấn an các đồng minh ở châu Phi rằng hàng ngàn chiến binh của nhóm Wagner được triển khai tới lục địa này sẽ không bị rút lại.
Mặc dù các hoạt động chiến đấu của Wagner ở Libya chỉ bắt đầu vào mùa hè năm 2019 để hỗ trợ cuộc tấn công quân sự của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy nhằm chiếm Tripoli và đánh bật lực lượng của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận, nhưng các hoạt động phi chiến đấu của Wagener đã bắt đầu vài năm trước đó.
Sự hiện diện của Nga ở Libya bắt đầu sau cuộc nội chiến ở quốc gia châu Phi này năm 2014 và sự chia rẽ về chính trị và thể chế sau đó. Từ năm 2015 đến 2019, các hoạt động của Tập đoàn Wagner tại Libya tập trung vào các hồ sơ liên quan đến an ninh như đào tạo sử dụng và bảo trì các hệ thống vũ khí của Nga và Liên Xô, bao gồm các hệ thống kiểm soát chỉ huy và phòng không tiên tiến, cũng như các dịch vụ rà phá bom mìn cho LNA ở Benghazi và Derna.
Ngoài ra, các chi nhánh của Wagner đã tìm cách phát triển các liên kết kinh doanh và văn hóa với các bên liên quan và cộng đồng ở Libya bằng cách cử các chuyên gia và nhà khoa học xã hội đến Libya để tiến hành nghiên cứu thực địa, phỏng vấn và làm việc theo nhóm tiêu điểm với các nhà lãnh đạo và cộng đồng địa phương.
Minh Đức (Theo Al Arabiya, Al Monitor, The Guardian)