Căn cứ địa Lạt Sơn –Nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử đậm nét về hoạt động của Nữ tướng Lê Chân
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa Xuân Canh Tý năm 40 (sau Công nguyên) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến Đông Hán phương Bắc, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão đã đi vào lịch sử dân tộc, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Trong cuộc tập hợp nghĩa quân đứng lên khởi nghĩa đó, trên vùng đất Hà Nam đã ghi dấu nhiều sự kiện, trong đó vùng đất Lạt Sơn - nơi mà Nữ tướng Lê Chân lập căn cứ và hy sinh tại đây đã minh chứng cho điều đó.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào mùa Xuân Canh Tý năm 40 (sau Công nguyên) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến Đông Hán phương Bắc, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão đã đi vào lịch sử dân tộc, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Trong cuộc tập hợp nghĩa quân đứng lên khởi nghĩa đó, trên vùng đất Hà Nam đã ghi dấu nhiều sự kiện, trong đó vùng đất Lạt Sơn - nơi mà Nữ tướng Lê Chân lập căn cứ và hy sinh tại đây đã minh chứng cho điều đó.
Nữ tướng Lê Chân vốn quê gốc ở trang An Biên, huyện Đông Triều (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Lê Chân đã cùng một số tướng lĩnh của trang An Biên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa và đã lập được nhiều chiến công. Khởi nghĩa giành thắng lợi, Trưng Trắc xưng vương, phong Lê Chân là “Thánh Chân công chúa” giao nhiệm vụ: “Chưởng quản binh quyền nội bộ” đóng bản doanh ở trung tâm Giao Chỉ để coi giữ vùng biển phía Đông (Đông Bắc nước ta). Thời gian sau, nhà Đông Hán lại sai Mã Viện mang quân quay trở lại xâm lược ta, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị thất bại, Lê Chân đã bí mật đưa đoàn quân của mình tới hoạt động tại vùng Hải Phòng (Kiến An) - Hải Dương - Thái Bình - Hà Nam ngày nay.
Khi cuộc chiến chống quân xâm lược Đông Hán rơi vào thế nguy cấp, Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng và chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán. Sở dĩ Lê Chân chọn Lạt Sơn làm căn cứ địa vì nơi đây có vị trí hiểm yếu, lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam, điểm đầu căn cứ là vị trí Đền thờ Nữ tướng Lê Chân hiện nay, điểm cuối là núi Giát Dâu nơi nữ tướng hy sinh. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2000 năm vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận chiến oanh liệt cuối cùng của Nữ tướng Lê Chân.
Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc Voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh. Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể (hay còn gọi là thung Mơ), thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi phía Nam thung Bể là nơi đặt tổng hành dinh. Phía Tây thung Dâu là núi Thượi (cao khoảng 225m), nơi đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân, có lẽ là địa điểm tập hợp, kiểm đếm số lượng binh sĩ. Sau Thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì, nơi trú đóng của hai đội quân, thung Đồng Loạn gần địa điểm Giát Dâu, nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt nhất giữa nghĩa quân và quân xâm lược. Đồi Ông Tượng, điểm đầu căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Cách vị trí đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3 km là thung Trống (nhân dân địa phương giải thích là nơi có lầu trống dùng để đánh cầm canh và hiệu lệnh chiến đấu). Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dướn, Non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng mấy chục mẫu.
Việc xây dựng, củng cố căn cứ của Nữ tướng Lê Chân còn chưa thực sự hoàn tất thì Mã Viện đã đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên dòng sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, nữ tướng cho binh sĩ bí mật rút khỏi căn cứ để kháng chiến lâu dài, còn nữ tướng và số ít tướng lĩnh, một bộ phận quân sĩ ở lại tử thủ. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở thung Đồng Loạn, Nữ tướng Lê Chân cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, Nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc (núi này cách đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 7 km về phía Tây). Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quý Mão (năm 43). Mấy tướng tâm phúc đã mai táng Nữ tướng Lê Chân ở một hang động trong căn cứ Lạt Sơn. Sau này, để khắc ghi, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân, người dân Thanh Sơn đã thành kính tôn vinh Bà với danh hiệu cao quý: “Đức Thánh Mẫu”, đồng thời tạc tượng và lập đền thờ ở cửa rừng, trên đồi Ông Tượng.
Gần 2000 năm đã trôi qua, song những tên đất, tên núi, tên sông, di tích, di vật tồn tại nơi đây vẫn còn đó, gợi nhắc cho các thế hệ hôm nay về địa danh lịch sử gắn truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với nguồn tư liệu chữ Hán: Hiện nay ở trên vách đá thung Bể còn lưu lại 3 bia đá: 1 bia có niên đại năm 1552 (đời vua Mạc Tuyên Tông); 2 bia còn lại có niên đại năm 1672 (đời vua Lê Gia Tông). Nội dung bia cho biết việc xây chùa Thánh Chân, khởi nguồn là Tiên Động Thánh Chân. Về sắc phong: ở đền Lê Chân còn lưu giữ 7 đạo sắc với các mỹ tự: “Quốc Mẫu Nữ chúa”, “Thủy Tinh Công chúa”, “Xuân Anh Công chúa”, trong đó có 2 đạo niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903); 1 đạo niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909); 1 đạo sắc niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911); 3 đạo niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Đây là nguồn tư liệu có giá trị, góp phần minh chứng khẳng định về sự tồn tại Căn cứ Lạt Sơn trong lịch sử.
Cùng với văn bia lưu trên vách đá, vùng căn cứ địa Lạt Sơn còn có các không gian tâm linh thờ tự, đến ngày nay vẫn còn hiện hữu như: Đền Lê Chân; chùa Thánh Chân; địa điểm Giát Dâu - nơi Nữ tướng Lê Chân tuẫn tiết. Một điểm rất đáng lưu ý nữa là địa danh, địa điểm thờ Nữ tướng Lê Chân nằm trong một vùng sinh thái đồng bằng xen lẫn đồi gò bán sơn địa, phù hợp dưới con mắt của người dụng binh. Nơi đây có núi, có sông mà dòng sông Đáy, sông Ngân là mạch huyết quan trọng trong lưu thông và kết nối của các cư dân vùng; cùng với đó là các dải núi đá vôi thấp xen với thung lũng rất phù hợp để bố phòng quân sự. Xen giữa cảnh quan núi và sông là những vạt đồng bằng trù phú có thể cung cấp lương thảo phục vụ kháng chiến. Văn bia Thượng điện chùa Thập địa Động Tiên Thánh Chân, soạn năm Tân Hợi (1672), cho biết: “xã Lạt Sơn, huyện Kim Bảng là nơi danh lam thắng cảnh do trời đất tạo nên. Bên trong là tiên cảnh Bồ đà, tam thắng thượng tự. Bên ngoài có thập địa Động Tiên Thánh Chân". Đặc biệt, với khu vực núi Giát Dâu là nơi nữ tướng hy sinh, do nằm sâu trong rừng và tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình nên cảnh quan còn rất hoang sơ, có thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, có nhiều cây thuốc quý và là môi trường sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học nêu trên, vùng căn cứ địa Lạt Sơn (với 3 địa điểm tiêu biểu: Đền Lê Chân, Động Thánh Chân, núi Giát Dâu) - vừa là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử, vừa là nơi thờ phụng, tôn vinh công lao của Nữ tướng Lê Chân đối với vùng đất này, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia loại hình lưu niệm sự kiện vào đầu năm 2023.