Cần cú huých cho sản xuất hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các HTX đang đi đúng theo hướng bền vững, nhưng làm sao để tăng độ hấp dẫn cho các mô hình này, từ đó giúp gây dựng niềm tin và sự hợp tác, ủng hộ trong cộng đồng, doanh nghiệp là điều quan tâm của rất nhiều HTX.
Số liệu từ AC Nielsen cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên lựa chọn thực phẩm hữu cơ cho bữa ăn hằng ngày.
Rào cản lấn át cơ hội
Như vậy nhu cầu thị trường sản phẩm hữu cơ lớn sẽ mở ra cơ hội trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân, HTX. Vậy nhưng, thực tế tại nhiều HTX cho thấy, quá trình làm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn rất gian truân khiến những giọt mồ hôi của thành viên HTX đổ xuống các cánh đồng vẫn chưa được đền đáp xứng đáng.
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết việc sản xuất hữu cơ hiện nay chủ yếu vẫn là do phụ nữ đã có tuổi, các quy trình sản xuất hầu hết là thủ công từ chăm sóc, tưới, bắt sâu, ủ phân nên sức người đổ vào sản xuất vẫn còn rất lớn. Dó đó, diện tích sản xuất rau hữu cơ tại HTX Thanh Xuân có phần giảm qua các năm.
Đặc biệt, nguồn nhân lực kế cận cho hoạt động sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn hiện rất hiếm bởi người trẻ đã làm các công việc khác tại các công ty, doanh nghiệp nên giờ thành viên chỉ còn người già. Nhiều người lớn tuổi, giờ hết tuổi lao động cũng xin không tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ khiến tình trạng thiếu nhân lực phục vụ sản xuất càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc thu hẹp diện tích sản xuất rau hữu cơ còn do địa phương thực hiện chuyển mục đích đất sản xuất nông nghiệp sang phục vụ các công trình phúc lợi. Do đó, vấn đề về đất đai phục vụ sản xuất càng khó khăn hơn.
Những khó khăn về lao động, diện tích, nhân lực… cũng là tình trạng chung của HTX Bái Thượng (Hà Nội), HTX Trác Văn (Hà Nam), HTX Hòa An (Vĩnh Phúc)…
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cho biết thực tế tình trạng lao động già hóa tại các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ là triệu chứng của vấn đề. Còn nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do nông nghiệp hữu cơ vẫn kém hấp dẫn, kinh tế, thu nhập từ hoạt động này chưa cao, truyền thông chưa tạo sức vang nên chưa thu hút được nhiều lớp trẻ tham gia nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt, trên thị trường hiện nay, với những khó khăn nhất định trong tiêu thụ, tiếp cận khách hàng vì phải cạnh tranh với lượng lớn nông sản không rõ nguồn gốc và xuất xứ, thương hiệu nông sản hữu cơ đang bị đi xuống, thâm chí ở một góc độ nào đó của người tiêu dùng, nông sản hữu cơ còn bị đánh giá thấp nên giá bán chưa cao.
“Nếu không đủ hấp dẫn, không đủ sức thu hút thì các HTX không chỉ khó thu hút nhân sự mà còn khó giữ cả những nguồn nhân lực giỏi có chất lượng”, ông Chiến nhấn mạnh.
Chính vì những khó khăn này mà nhiều HTX đang đánh mất đi các cơ hội trong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng, nhà phân phối trong tiêu thụ nông sản hữu cơ.
Bởi một trong những yêu cầu quan trọng của các cửa hàng, siêu thị đó là HTX phải bảo đảm hàng hóa được cung ứng liên tục, với số lượng lớn. Nhưng do thiếu nhân lực, đầu ra chưa được mở rộng, diện tích bị thu hẹp nên cơ hội hợp tác kinh doanh đối với HTX cũng bị giảm dần.
Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bái Thượng, cho biết vì thiếu nguồn nhân lực và phần lớn thành viên trong HTX là phụ nữ có tuổi nên việc sơ chế, đóng gói nông sản phải thực hiện vào buổi tối, thậm chí kéo dài đến đêm.
Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng nông sản bởi rau trồng theo quy trình hữu cơ vốn không được hấp dẫn như rau thông thường. Đi liền với đó, quá trình chăm sóc, bắt sâu cũng thực hiện thủ công nên để bảo đảm 100% rau không có sâu, bọ nhảy là rất khó.
Giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán nông sản
Theo đánh giá tổng quan, đặc điểm trong nông nghiệp hữu cơ hiện nay là các nông dân, thành viên HTX vẫn sản xuất nhỏ lẻ vì khó mở rộng diện tích. Thông thường, diện tích sản xuất hữu cơ mỗi hộ chỉ khoảng 200-300 m2. Do đó, muốn phát triển mô hình này, chắc chắn việc gom đất, tích tụ đất đai thành vùng tập trung, quy mô lớn lại có thể tách biệt với vùng xung quanh bằng bờ đệm để bảo đảm yêu cầu về khoảng cách, độ dày, độ cao thì phải có sự cộng tác không chỉ từ phía của nông dân, HTX mà cả của chính quyền địa phương. Bởi việc tích tụ đất đai còn liên quan rất nhiều đến việc áp dụng, thực thi các chính sách, quy định pháp luật.
Một điều hiện nay đó là nhiều nông dân, thành viên HTX tiếp cận chính sách tốt nhưng thực thi chính sách lại khó. Nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa khi tiếp cận với các lớp đào tạo hữu cơ, họ thường rất thích thú nhưng khi về thực tế, việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hữu cơ lại rất khó. Vì người dân, thành viên HTX thường cho rằng mô hình này khó có thể thành công bởi các quy định sản xuất rất khắt khe, yêu cầu rất cao, chi phí đầu tư, chuyển đổi mô hình rất lớn.
Một thực tế hiện nay là nhiều HTX rất quyết tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng các yếu tố đảm bảo đầu vào như nguyên liệu, phân bón hữu cơ vẫn thiếu trầm trọng. Do đó, các HTX hiện mới áp dụng kỹ thuật ủ phân, lên men, chế gừng tỏi nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, HTX về sản xuất từ đó khó tạo niềm tin bền vững cho người dân.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cho rằng ngay cả Bộ NN&PTNT hiện nay cũng chưa có đơn vị đánh giá đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. Do đó, khó khăn cho nông dân, HTX đi theo hướng này càng chồng chất.
Để giải quyết phần nào các nút thắt, bà Từ Thị Tuyết Nhung cho rằng trước tiên cần phải có sự đồng hành của HTX, doanh nghiệp, các trường, viện để có thể giải quyết khó khăn trong nghiên cứu ra những cách thức sản xuất phân, thuốc hữu cơ, từ đó đáp ứng đầu vào, tạo động lực cho người dân, HTX tham gia sản xuất.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo thu nhập cho người làm nông nghiệp hữu cơ cũng cần được tính toán, có như vậy mới giữ chân và thu hút thêm người vào phát triển mô hình này.
Muốn vậy, cần hỗ trợ các HTX trong quảng bá, tiêu thụ nông sản hữu cơ. Bên cạnh đó tăng cường khâu kỹ thuật để nâng sản lượng, chất lượng và tăng giá bán hàng từ đó giúp thành viên bán được sản phẩm, tăng thu nhập.
Ông Trần Mạnh Chiến cho rằng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần nâng cao giá bán, giảm chi phí đầu vào. Do đó, phải áp dụng công nghệ, chú trọng đầu vào bằng cách quản trị có ứng dụng công nghệ thay vì quản trị và sản xuất thủ công như hiện nay. Trong khi không áp dụng công nghệ sẽ khó quản lý, từ đó khó bán được sản phẩm và khó giảm chi phí.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/can-cu-huych-cho-san-xuat-huu-co-1103472.html