Căn cứ ly hôn: Luật cần quy định cụ thể để áp dụng thống nhất
Trong quá trình giải quyết các vụ án ly hôn, căn cứ ly hôn được xem là mắt xích quan trọng để thẩm phán từ đó có thể đưa ra quyết định thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy việc áp dụng các căn cứ ly hôn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Hay nói cách khác, vì thiếu việc lượng hóa nội dung tiêu chí về căn cứ ly hôn mà luật pháp vô hình trung đã 'tước' quyền ly hôn của vợ chồng.
Một vụ ly hôn nhiều cách xử?
Có thể nói, căn cứ ly hôn là cơ sở pháp lý và chỉ khi có các điều kiện đó thì Tòa án mới có thể giải quyết ly hôn. Thế nhưng, về kỹ thuật lập pháp, do Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 không quy định một điều luật riêng về căn cứ tòa án cho ly hôn đã dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau, không thống nhất hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội, thì sau hơn 4 năm thi hành và áp dụng Luật HNGĐ năm 2014, thực tiễn xét xử các vụ việc ly hôn ở Việt Nam những năm qua cho thấy, việc xét xử ly hôn tại các tòa án có chiều hướng không thống nhất.
Cụ thể, cùng một vụ án ly hôn nhưng có tòa án giải quyết cho vợ chồng được ly hôn, có tòa lại bác đơn yêu cầu ly hôn. Tình trạng đó dẫn đến hệ quả, có vụ việc vợ chồng đã có mâu thuẫn sâu sắc, tình cảm yêu thương gắn bó đã hết, vợ chồng không thể cùng chung sống, mục đích hôn nhân không đạt được nhưng tòa lại không giải quyết cho ly hôn. Có vụ việc yêu cầu ly hôn do vợ chồng tự ái, sĩ diện, miễn cưỡng xin ly hôn, hôn nhân chưa đến mức cần chấm dứt thì tòa lại vội vàng giải quyết cho ly hôn.
Minh chứng cho thực trạng trên, ông Lê Đức Hiền - Đại học Quy Nhơn lấy ví dụ về vụ án ly hôn giữa ông Nguyễn Văn Đ và bà Đàm Thị X: Ông Đ và bà X kết hôn năm 1974, hôn nhân do cả hai tự nguyện có đăng ký kết hôn tại UBND phường 4, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Thời gian đầu khi kết hôn, ông bà sống có hạnh phúc, nhưng sau đó thì phát sinh mâu thuẫn mà nguyên nhân là do ông Đ có quan hệ với người phụ nữ khác, về nhà đối xử tệ bạc với bà X. Nhưng nay bà X cũng không đồng ý ly hôn.
Tại Bản án sơ thẩm của TAND thị xã Bến Tre cho ông Đ được ly hôn với bà X. Trong khi tại Bản án số 36/2007/HN-PT ngày 12/4/2007 của TAND tỉnh Bến Tre đã bác đơn xin ly hôn của ông Đ và bà X. Ở đây, ông Đ có quan hệ ngoại tình được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là căn cứ cho ly hôn.
Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm lập luận rằng, ông Đ có quan hệ ngoại tình mà lại là người đứng đơn xin ly hôn, còn bà X thì không đồng ý ly hôn; ông Đ cho rằng bà X thường hay la cà, nói xấu chồng con nhưng cũng không chứng minh được điều đó, như vậy, nhận định không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu xin ly hôn.
Cần quy định cụ thể
Khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Đây là một quy định mới, được đánh giá là mang tính khái quát cao.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Hiền, việc quy định về căn cứ ly hôn thể hiện yếu tố tình cảm vẫn còn chung chung. “Khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, thì mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau.
Trong khi đó, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng” nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, thực tiễn có những trường hợp cùng một vụ việc nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau khi áp dụng pháp luật” – ông Lê Đức Hiền phân tích.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Cừ thì quan điểm của nhà làm luật Việt Nam từ Luật HNGĐ năm 1959 đến nay, quy định về nội dung căn cứ ly hôn đều không hoàn toàn dựa trên cơ sở “lỗi” của vợ chồng mà dựa trên bản chất của quan hệ hôn nhân tan vỡ.
Trong mọi trường hợp ly hôn, nếu hòa giải không thành và nếu xét thấy tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án mới được giải quyết cho ly hôn. Vấn đề giải quyết cho vợ chồng ly hôn chỉ là việc tòa án ghi biên bản công nhận một quan hệ hôn nhân đã không còn, hôn nhân tự nó đã bị phá vỡ rồi.
“Do đó, cần thiết phải hoàn thiện quy định của Luật HNGĐ năm 2014 về nội dung căn cứ ly hôn trong thời gian tới. Theo hướng, cần có riêng một điều luật quy định về căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn để đảm bảo tính thống nhất khi giải quyết các vụ việc ly hôn của tòa án; nội dung căn cứ ly hôn phải cụ thể, không trừu tượng như hiện nay; nghĩa vụ chứng minh bản chất của hôn nhân đã tan vỡ thuộc về vợ chồng, tòa án chỉ xem xét và quyết định; cần kết hợp giữa yếu tố “lỗi” của vợ/chồng với thực chất quan hệ hôn nhân đã tan vỡ” - PGS.TS Nguyễn Văn Cừ kiến nghị.