Căn cứ mật để phòng kịch bản xấu COVID-19
Hollywood từng sản xuất các bộ phim 'bom tấn' na ná như Nhà Trắng thất thủ. Khán giả thich thú và cứ nghĩ đó là viễn tưởng nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Nhưng trước đại dịch COVID-19 thực sự người Mỹ có lo sợ…?
Đề phòng “Ngày tận thế”
Hiện nay, Khu phức hợp Cheyenne (Colorado, Mỹ) đã được đưa vào sử dụng trước đại dịch COVID-19. Đây là một phần không thể thiếu trong kế hoạch ứng phó với viễn cảnh Ngày tận thế của Chính phủ Mỹ. Trong trường hợp có mối đe dọa nào hiện hữu đối với Mỹ, chẳng hạn như một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra, tổng thống và các quan chức của ông cũng như đội ngũ các lãnh đạo chính trị, quân sự và dân sự sẽ ngay lập tức được sơ tán đến căn cứ này.
Ngoài ra, còn có ba cơ sở an toàn bí mật khác là Trung tâm Điều hành khẩn cấp của tổng thống thuộc Nhà Trắng, Trung tâm Điều hành khẩn cấp núi Weather và Khu phức hợp Raven Rock nằm sâu dưới lòng đất.
Ra đời trong bí mật tuyệt đối, đến mức những người xây dựng cũng không biết họ đang làm gì, Khu phức hợp Cheyenne được hình thành sâu dưới lòng đất, gần căn cứ không quân Peterson ở thành phố Colorado Springs (thuộc bang Colorado, Mỹ).
Mục đích ban đầu thời Chiến tranh Lạnh là để bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước sự tấn công của các máy bay ném bom Liên Xô. Tuy nhiên, căn cứ này cũng được thiết kế đủ để chống được một cuộc tấn công hạt nhân 30 Megaton (tương đương sức công phá của 30 triệu tấn thuốc nổ TNT).
Khu phức hợp Cheyenne gồm có một hệ thống hầm ngầm tọa lạc sâu tới gần 1,6km bên trong núi và ẩn giấu dưới 610 mét lớp đá granit cứng. Lối vào căn cứ được bảo vệ bằng hai cánh cửa nặng 25 tấn.
Khi cả hai đóng lại sẽ cách ly tổ hợp bên trong hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ngoại trừ những lần diễn tập, hai cánh cửa này chỉ được khóa kín một lần duy nhất trước đây, vào ngày xảy ra thảm họa khủng bố 11.9.2011.
Tất cả 15 tòa nhà bên trong khu phức hợp được xây dựng trên 1.300 hệ thống những lò xo khổng lồ, cho phép chúng nảy xóc khi có động đất hoặc bị tấn công hạt nhân. Nếu bị cách ly, căn cứ cũng được trang bị khả năng tự cung, tự cấp trong thời gian dài với một nhà máy phát điện, một nhà máy nước và hệ thống sưởi ấm và làm mát riêng.
Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4.1966 sau 4 năm xây dựng, Khu phức hợp Cheyenne đã đóng một vai trò quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, cả trong thời chiến và thời bình. Trong giai đoạn từ những năm 1966-2006, căn cứ này được dùng làm trung tâm chỉ huy và kiểm soát chính của Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ (NORAD). Đây cũng là nơi đặt tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ từ những năm 1985-2002.
Kể từ năm 2006, NORAD và Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORTHCOM – tên gọi tổ chức chung giữa Canada và Mỹ) đã có nhiệm vụ đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa từ trên không đối với khu vực. Họ đã sử dụng Khu phức hợp Cheyenne để theo dõi các vật thể bay trong không gian.
Nơi đây còn có hệ thống điện tử để giám sát từ xa chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của những nước bị Washington coi là thù địch như Triều Tiên hay Iran.
Đối phó với kịch bản xấu COVID-19
Đến năm 2016, Khu phức hợp Cheyenne mới được công khai. Lúc này, hầm ẩn náu bom hạt nhân của Mỹ đã ở vào “tuổi trung niên” với bữa tiệc sinh nhật lần thứ 50. Nó đã thu hút hàng trăm khách mời đến theo lối vào đường hầm tại Trạm Không quân Núi Cheyenne.
Các nhà lãnh đạo Cheyenne cho biết khu phức hợp dưới lòng đất rộng 5 mẫu. Khi nước Mỹ đang ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh thì nó được xây dựng, để đảm bảo Mỹ có thể đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô”.
Tướng 3 sao John Hyten, chỉ huy trưởng của Bộ Chỉ huy Không quân Bắc Mỹ, trong khi ca ngợi quân đội trong quá khứ và tương lai cho biết: “Đó là một công trình vĩ đại chứng minh sự khéo léo của người Mỹ. Những người phục vụ trong căn cứ này được bảo vệ bởi 2.000 feet đá granit. Đó thật sự là một pháo đài kiên cố bậc nhất của nước Mỹ”.
Thống đốc bang Colorado ông John Hickenlooper thán phục cho biết: “Nơi này là một kỳ quan của thế giới. Tôi không thể hình dung được quân đội đã làm điều này như thế nào”. Cory Gardner, thượng nghị sĩ bang Colorado, phát biểu: “Ngọn núi Cheyenne đã trở thành một tượng đài của nước Mỹ. Đây là biểu tượng của sự đoàn kết, sát cánh cùng nhau để bảo vệ quốc gia này khỏi bất kỳ ai làm hại chúng ta”.
Trong dịp sinh nhật lần thứ 50 của Khu phức hợp Cheyenne, các nhà lãnh đạo đã nói chuyện với một đám đông có giấy mời tụ tập tại Trạm Không quân núi Cheyenne. Sau đó khách mời sẽ có cơ hội đi xuống đường hầm chính dẫn đến cửa hầm chống hạt nhân của ngọn núi.
Ông Todd Probert, phó chủ tịch hỗ trợ nhiệm vụ và hiện đại hóa cho nhà thầu quốc phòng Mỹ, cho biết: “Chỉ có khoảng 200 công nhân kỳ cựu của tôi biết về lịch sử nơi này!”.
Ông William Bunker, năm nay đã 83 tuổi, nói: “Thật đáng kinh ngạc khi biết vai trò của căn cứ trên núi này trong các sự kiện thế giới lớn đến mức nào”. Bunker trước kia là một trung sĩ nhân viên của Không quân nay đã nghỉ hưu. Ông đã ở trong đội an ninh khi ngọn núi mở ra. Bunker thừa nhận rằng hầu hết các công nhân không biết gì về công việc đang diễn ra trong hang ổ bí mật dưới lòng đất cho đến khi nó mở cửa năm 2016.
Đến nay ngọn núi vẫn là trung tâm quan trọng nhất của Mỹ để cảnh báo tên lửa và phòng không, một vai trò mà nó đã thực hiện tốt kể từ khi đi vào hoạt động năm 1966. Ngoài ra, nó còn nhận được các nhiệm vụ công nghệ cao mới là theo dõi các vệ tinh và xử lý dữ liệu cho các nỗ lực an ninh mạng của Mỹ. Đây là nơi làm việc cho hệ thống điện tử của các cơ quan tình báo quốc gia Mỹ.
Tháng 4.2020 này, một số đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ đã bắt đầu chuyển đến làm việc trong khu hầm trú ẩn trên núi Cheyenne theo lệnh Lầu Năm Góc, đề phòng viễn cảnh tồi tệ nhất do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/can-cu-mat-de-phong-kich-ban-xau-covid-19-25624.html