Căn cứ thực tiễn của hiện trạng phụng thờ Lang Liêu

PTĐT - Trên phạm vi không gian toàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 12 huyện, thị có di tích gắn trực tiếp đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương...

Quang cảnh ngôi miếu khuất sau trạm viễn thông.

Quang cảnh ngôi miếu khuất sau trạm viễn thông.

PTĐT - Trên phạm vi không gian toàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 12 huyện, thị có di tích gắn trực tiếp đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương, trong đó có 46 di tích tín ngưỡng mang danh thờ phụng các Vua Hùng, gần 200 di tích tín ngưỡng mang danh thờ Cao Sơn Đại Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và 96 di tích tín ngưỡng thờ Sơn Tinh cùng vợ và con gái các Vua Hùng.

Hầu hết các di tích tín ngưỡng đã được tu bổ hoặc phục dựng, tôn tạo. Không ít các di tích đã bị hủy hoại hoặc chiếm dụng không gian vốn nổi tiếng, có nhiều giá trị, rất cần được quan tâm phục dựng/phục hồi. Có thể nhận diện những căn cứ thực tiễn để cộng đồng qua các thế hệ đã chung trí lực niềm tin, bồi đắp nên truyền thống văn hóa độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời đó cũng là nguồn tư liệu thực tiễn giúp cho quá trình khôi phục, phục dựng đa số các di tích tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến các nhân vật thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đó là Hệ thống truyền thuyết dân gian xoay quanh một hoặc nhiều nhân vật thời các Vua Hùng; tâm lý hướng tâm truyền thống thể hiện đức tính tri ân những người có công với dân với làng/nước, tôn vinh làm Thành hoàng làng hoặc Thánh, Thần như đối với nhân vật mang tầm vóc quốc gia, dân tộc; sức sáng tạo văn hóa để hình thành nên các biểu tượng thông qua các nhân vật, hiện tượng huyền thoại và đi đến lịch sử hóa để tạo niềm tin, lập nơi thờ phụng và thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng phù hợp; sáng tạo các hình thức sinh hoạt lễ hội, trò chơi dân gian cùng các hình thức ẩm thực, tục hèm liên quan đến nhân vật được phụng thờ; vết tích vật chất liên quan nhân vật được phụng thờ từ đời trước để lại; các sắc phong, chiếu chỉ của các triều đại phong kiến cho các nhân vật được phụng thờ,…

Soi vào hiện trạng phụng thờ và thực hành tín ngưỡng liên quan đến chủ điện thờ là Lang Liêu - Vua Hùng đời thứ VII, tại Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, không khó để nhận diện những yếu tố thực tiễn đã và đang hiện tồn (cả vô hình lẫn hữu hình) nơi đây. Đó là hệ thống các truyền thuyết liên quan đến sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy của Lang Liêu, tài năng và đức độ đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Lang Liêu sau khi được Vua Hùng Vương đời thứ sáu lựa chọn truyền ngôi, vết tích của các vật thể từ nơi thờ tự trong quá khứ còn sót lại; và đặc biệt là niềm tin cùng hàng loạt các thực hành tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến chủ điện thờ được thực hành trong cộng đồng qua hàng trăm năm… Và như vậy, đây có thể coi là những chứng cứ mang tính thực tiễn quan trọng góp phần tạo tiền đề khảo sát, nghiên cứu phục vụ nhu cầu khôi phục cơ sở không gian văn hóa thờ phụng cùng các sinh hoạt văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu chính đáng của cộng đồng người dân Việt Trì nói riêng và các địa phương khác nói chung về tâm thức sống theo truyền thống đạo lý mang bản sắc Việt Nam.Xuất phát từ những căn cứ thực tiễn qua hiện trạng phụng thờ Lang Liêu tại địa bàn thành phố Việt Trì và nhu cầu phát triển đời sống văn hóa cộng đồng trong điều kiện xã hội đương đại, có thể đề xuất một số phương án khai thác và phát huy giá trị tín ngưỡng phụng thờ Lang Liêu để tham khảo. Trước hết, bên cạnh việc đáp ứng được những căn cứ khoa học và thực tiễn, việc phục dựng, phục hồi cơ sở vật chất và sinh hoạt tín ngưỡng thờ phụng Lang Liêu tại Dữu Lâu, thành phố Việt Trì còn đáp ứng được những căn cứ pháp lý và phù hợp với cơ chế, chính sách cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước về khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam, hiện tại và lâu dài.

Nhu cầu phục hồi/phục dựng di tích văn hóa tín ngưỡng phụng thờ Lang Liêu cùng các sinh hoạt thực hành văn hóa tại Dữu Lâu cũng phù hợp với yêu cầu được ghi trong Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa năm 2009, về việc khôi phục di tích thờ phụng, về việc Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội, tín ngưỡng truyền thống thông qua các biện pháp tổ chức lễ hội, khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội và quảng bá giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của di sản,… và quản lý Nhà nước về mặt văn hóa (Điều 25, Điều 54, Điều 68). Đồng thời, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tại Dữu Lâu cũng đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.Mặt khác, trong quá trình thực hiện chủ trương đã có một số doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm sẵn sàng tài trợ, công đức để cùng góp sức xây dựng đền thờ. Đây là những căn cứ pháp lý cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho người dân Dữu Lâu nói riêng và người dân Phú Thọ nói chung có điều kiện và căn cứ triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong xã hội đương đại.Xuất phát từ những căn cứ quan trọng như vậy có thể cho rằng đã đủ dữ liệu để khẩn trương xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng phụng thờ Lang Liêu tại phương Dữu Lâu, thành phố Việt Trì.Sơ bộ nhận diện các căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, bước đầu chúng tôi muốn đề xuất phương án ứng dụng thực tiễn như sau:Khẩn trương tiến hành triển khai thực thi các Quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở đô thị đồng Cả Ông, phường Dữu Lâu, trong đó cũng đã xác định vị trí xây dựng dự án Vườn Trầu, miếu thờ Lang Liêu và về việc khôi phục Miếu thờ Lang Liêu tại khu vực đồng Cả Ông, phường Dữu Lâu. Đây là bước đi ban đầu cần thiết để phục dựng - xây dựng không gian thực hành văn hóa, cơ sở vật chất, tạo điều kiện tiên quyết cho nhu cầu thực hành văn hóa tâm linh và các hình thức sinh hoạt văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Lang Liêu tại địa bàn Dữu Lâu. Tổ chức đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành, tập trung nghiên cứu chuyên sâu từ các dữ liệu văn hóa dân gian ở Dữu Lâu nói riêng và các làng thờ cúng Hùng Vương nói chung, trong phạm vi khu vực - tiểu vùng văn hóa Nghĩa Lĩnh (Hùng Lô thuộc Việt Trì và Vi - Trẹo thuộc thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao), tiến tới định hình những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng và các nghi thức tế lễ, thờ cúng Lang Liêu vừa mang tư cách ông tổ nghề ẩm thực vừa giữ tầm vóc một trong những vua Hùng có công với dân với nước, được cộng đồng tự nguyện tri ân và tôn vinh.Nghiên cứu và xây dựng kịch bản lễ hội theo phương pháp tiếp cận sáng tạo truyền thống trong xã hội đương đại, trong đó khắc họa được diện mạo mang dấu ấn chung của diễn trình lễ hội trong khu vực và bản sắc riêng của chủ điện thờ có công sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy tại phường Dữu Lâu. Tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học về kịch bản lễ hội, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội giữa đội ngũ các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa và chính quyền các cấp với cộng đồng người dân địa phương.Đầu tư kinh phí (kết hợp xã hội hóa) cho việc quảng bá giá trị di sản trong cộng đồng người dân địa phương và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng kế hoạch liên kết với các hoạt động phát triển du lịch, từ phạm vi địa bàn tỉnh Phú Thọ đến phạm vi vùng văn hóa Tây Bắc - Việt Bắc và cả nước nói chung. Xây dựng kế hoạch nối kết các “điểm đến” từ các di tích - cụm di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các nhân vật gắn với thời đại Hùng Vương và các di tích có thực hành sinh hoạt lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì để có tầm nhìn hệ thống và đồng bộ về mục tiêu xây dựng Việt Trì là thành phố lễ hội.

GS.TS. Bùi Quang ThanhViện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201908/can-cu-thuc-tien-cua-hien-trang-phung-tho-lang-lieu-166021