'Còn chút gì để nhớ' với Biển Hồ

Vì cảm cái dễ thương của đất và người phố núi, họa sĩ Đinh Nhật Tân đem lòng thương mến nơi này ngay lần đầu gặp gỡ. Chút tình 'để nhớ để thương' của người nghệ sĩ đọng lại trong không gian của Lem coffee (169 Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku) ở gần 'mắt ngọc' Biển Hồ.

Dòng sự kiện: Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

07/07 “Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ 03/07 Tp Pleiku tạo bản sắc từ kiến trúc và không gian đô thị 30/06 Đưa phong trào trồng cây thành nét đẹp văn hóa

Xem thêm

Tại Lem coffee, thực khách vừa thưởng thức cà phê vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Bi Ly

Tại Lem coffee, thực khách vừa thưởng thức cà phê vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Bi Ly

Không gian Lem coffee đậm hồn Tây Nguyên, view nhìn ra rừng thông quanh năm soi bóng “Biển Hồ đầy” là “chút gì để nhớ”, để níu chân du khách khi đến Gia Lai.

Họa sĩ Đinh Nhật Tân kể, lần đầu tiên anh đến Gia Lai trong vai một du khách. Khi thong dong dạo chơi quanh Biển Hồ, anh cảm nhận từng hơi nước mát lạnh da thịt giữa mùa hè. Thông reo vi vu như một bản nhạc dịu dàng theo mỗi bước chân du khách. Buồng chuối chín vàng ngay con đường vành đai dành cho khách bộ hành. Tiếng chim chóc, vài chú sóc thấy người không hoảng sợ mà mải chơi cùng những quả thông. Khoảnh khắc ấy làm trái tim người nghệ sĩ thổn thức bởi sự hiền lành, đáng yêu của vùng đất này.

Vật liệu gỗ chủ đạo tạo nên không gian ấm cúng tại Lem coffee. Ảnh: Bi Ly

Vật liệu gỗ chủ đạo tạo nên không gian ấm cúng tại Lem coffee. Ảnh: Bi Ly

Họa sĩ người dân tộc Hrê cho biết: “Giữa lúc cảm cái dễ thương của nơi này, một người bạn đã kết nối, giới thiệu với tôi quán cà phê đang sang nhượng ngay gần danh thắng Biển Hồ. Đó là cái duyên của tôi với phố núi. Tôi quyết định biến Lem coffee thành không gian mang tinh thần và vẻ đẹp đặc trưng nơi đây. Lem trong tiếng Hrê có nghĩa là cái đẹp chân chất, giản dị. Đó cũng chính là điều tôi muốn mọi người đến Lem coffee hay du lịch Gia Lai cảm nhận được vẻ đẹp thư thái, mộc mạc đó”.

Một góc của Lem cofffee. Ảnh: Bi Ly

Một góc của Lem cofffee. Ảnh: Bi Ly

Từng decor cho nhiều quán cà phê nổi tiếng, mang đặc trưng văn hóa các vùng đất khác nhau, họa sĩ Đinh Nhật Tân tạo ra một không gian đậm chất nghệ thuật tại Lem coffee.

Khách tới đây không chỉ thưởng thức đồ uống mà còn chiêm ngắm bộ sưu tập tượng gỗ, mặt nạ gỗ dân gian Tây Nguyên với đủ hình dạng, sắc thái. Trong từng góc quán, chiếc ghế ngồi, cầu thang gỗ, bộ sưu tập tượng, mặt nạ… đều thấm đẫm phong vị văn hóa của vùng đất Tây Nguyên. Họa sĩ dành 1 phòng trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ để khách thưởng lãm.

Phòng trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ tại Lem coffee. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phòng trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ tại Lem coffee. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phòng trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ với rất nhiều tượng gỗ và mặt nạ đa dạng hình dáng, sắc thái. Ảnh: Hoàng Ngọc

Phòng trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ với rất nhiều tượng gỗ và mặt nạ đa dạng hình dáng, sắc thái. Ảnh: Hoàng Ngọc

Khách đến Lem Coffee cảm nhận rất rõ phong vị của một vùng đất giàu bản sắc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Khách đến Lem Coffee cảm nhận rất rõ phong vị của một vùng đất giàu bản sắc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Họa sĩ sinh năm 1981 chia sẻ: “Tôi là một đứa trẻ dân tộc Hrê sinh ra từ rừng, từ nhỏ sống gần với tự nhiên nên yêu những thứ thuộc về tự nhiên. Tôi tin rằng, mình bảo vệ mẹ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mình. Cho nên, các tác phẩm điêu khắc trong quán đều được làm từ gỗ tái chế. Bằng cách đó, tôi muốn mang đến cho gỗ một hay nhiều đời sống khác”.

Ngồi ở Lem coffee trong một chiều mưa, thực khách có thể thu trọn vào trong mình vẻ đẹp trầm tĩnh của danh thắng Biển Hồ nổi tiếng bậc nhất trên bản đồ du lịch Gia Lai. Mặt hồ như chiếc gương khổng lồ phản chiếu lịch sử ngàn năm một vùng đất với những huyền tích. Tiếng thông reo hòa cùng thanh âm mộc mạc những chiếc chuông gió khiến bản nhạc chiều ru hồn người bồng bềnh.

Vậy nên, để chiêm ngưỡng danh thắng Biển Hồ khó có thể bỏ qua Lem coffee để thêm trải nghiệm văn hóa, phong vị vùng đất giàu bản sắc.

Clip: Hoàng Ngọc

Họa sĩ Đinh Nhật Tân: “Tôi muốn du khách đến đây không chỉ có thêm một chỗ check-in bên cạnh danh thắng Biển Hồ, mà cảm nhận được phong vị cuộc sống của người dân địa phương. Mới đây, tại Lem coffee diễn ra phiên chợ hè để người dân tộc thiểu số mang hàng hóa, nông sản, thổ cẩm ra trưng bày, trao đổi, mua bán. Hay như chương trình trao đổi sách để các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ gu đọc và cảm thụ cá nhân”.

Họa sĩ Đinh Nhật Tân (bìa trái) đưa không gian nghệ thuật vào Lem coffee. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Họa sĩ Đinh Nhật Tân (bìa trái) đưa không gian nghệ thuật vào Lem coffee. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/con-chut-gi-de-nho-voi-bien-ho-post283747.html