Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1: Vành đai an toàn để giải phóng hoàn toàn miền Nam
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm (1954-1975) kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong đó, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 xưa kia (tỉnh Đồng Nai ngày nay) là một trong những địa bàn trọng điểm diễn ra cuộc đấu tranh toàn diện, liên tục, giằng co ác liệt giữa ta và địch.
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2023), tỉnh Đồng Nai tổ chức họp mặt các lực lượng vũ trang (LLVT) chiến đấu trên Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Văn Trang đã chia sẻ với Báo Đồng Nai về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của căn cứ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn ác liệt 1964-1975.
Vị trí trọng yếu
* Với vị trí chiến lược trọng yếu, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đã xây dựng TX.Biên Hòa lúc đó thành “Đô thị quân sự trung tâm ở miền Đông Nam bộ”. Xin ông nói rõ hơn về điều này?
- Trước sự leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ ngày càng quyết liệt bằng chiến lược Chiến tranh Cục bộ, tháng 9-1965, Trung ương Cục miền Nam đã quyết định thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa U1 thuộc H.Trảng Bom để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến chống địch.
Nhiệm vụ của Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là lãnh đạo xây dựng LLVT tinh nhuệ, xây dựng cơ sở chính trị, hậu cần trong nội thành Biên Hòa và các huyện, tạo điều kiện cho đặc công đánh vào các cơ quan đầu não, sân bay, kho tàng, căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy ở Biên Hòa, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, chi viện đắc lực cho chiến trường toàn Miền; xây dựng lực lượng Đảng, đoàn nòng cốt quần chúng trong thị xã và vùng ven, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp trên giao.
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 gồm TX.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Ban chấp hành Tỉnh ủy U1 được Trung ương Cục chỉ định gồm 7 đồng chí, do ông Nguyễn Sơn Hà (Năm Kiệm), Khu ủy viên dự khuyết làm Bí thư... đóng tại Bắc Trảng Bom (xã Thanh Bình ngày nay).
LLVT U1 được bố trí thành 3 chốt: Chốt 1 ở xã Thiện Tân, chốt 2 ở Bàu Hàm, chốt 3 ở Hóa An. Theo sự chỉ đạo của Khu ủy miền Đông, U1 tích cực chuẩn bị địa bàn, củng cố xây dựng LLVT và lực lượng chính trị sẵn sàng tấn công quân Mỹ và chư hầu. Các đại đội địa phương tỉnh tăng cường và tổ chức thành các tiểu đoàn, có nhiệm vụ chiến đấu cơ động trên địa bàn, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1 PHAN VĂN TRANG:
“Tôi rất mừng vì thế hệ hôm nay đã kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông trong quá trình phát triển. Các khu di tích: Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa ở Trảng Bom hay Long Thành cùng nhiều căn cứ khác được xây dựng, trùng tu, bảo tồn… chính là biểu tượng còn mãi với thời gian để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng. Qua đó còn khẳng định, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh luôn tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của những người đi trước, kế thừa xứng đáng để xây dựng tỉnh nhà hôm nay”.
Cùng với đó, U1 còn có sân bay quân sự Biên Hòa là nơi Mỹ - ngụy có thể đánh ra toàn miền Đông, miền Nam và đưa quân đánh phá ra miền Bắc. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, U1 còn là nơi tập trung, triển khai nhiệm vụ của nhiều đơn vị chủ lực như: Sư đoàn 5, Đặc công Biên Hòa, Trung đoàn 4, Đoàn đặc công 113, Trung đoàn pháo 274… đánh vào các căn cứ trọng điểm của Mỹ - ngụy tại mặt trận Biên Hòa.
* Từ vị trí trọng yếu như trên, địch đã bố trí như thế nào ở Biên Hòa, thưa ông?
- Với vị trí trọng yếu, kẻ thù xây dựng ở đây một lực lượng rất mạnh, thành tuyến phòng thủ án ngữ bảo vệ thủ phủ Sài Gòn từ hướng Đông và Đông Bắc.
Chúng đã bố trí ở đây hệ thống phòng thủ gồm: sân bay quân sự Biên Hòa (có hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp rào, canh gác cẩn mật và hệ thống ra đa, chỉ huy liên lạc hiện đại. Bên trong có 6 khu vực rộng chứa từ 170-190 máy bay, cùng với khu làm việc của 500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật và binh lính Mỹ). Chúng tập trung nhiều loại máy bay phục vụ cho yêu cầu chiến tranh, nhất là dùng làm nơi xuất phát đánh phá, tấn công Đông Nam bộ, toàn miền Nam hoặc tăng cường phá hoại miền Bắc. Tổng kho hậu cần Long Bình (nơi đứng chân của Bộ Tư lệnh dã chiến II và Bộ Tư lệnh hậu cần Mỹ và là nơi chứa bom, đạn lớn của chúng ở miền Nam Việt Nam) cùng hệ thống chốt giữ các tuyến quốc lộ quan trọng như “cánh cửa thép phía Đông” Xuân Lộc, Dầu Giây (Thống Nhất), Yếu khu Trảng Bom thuộc quốc lộ 1; hệ thống chốt giữ hướng Đông Nam dọc quốc lộ 51 từ Long Thành về… bảo vệ thủ phủ Sài Gòn hướng Đông Nam.
Đồng thời, đổ quân trực tiếp cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh chốt giữ, ngăn bước tiến quân giải phóng…
Dấu ấn đặc biệt
* Thưa ông, trước sức mạnh của Mỹ - ngụy, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã thực hiện nhiệm vụ được giao như thế nào?
- Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã phát huy tối đa vai trò, giữ vững vị trí trọng yếu, đánh bại cửa ngõ hướng Đông, Đông Nam bảo vệ thủ phủ Sài Gòn của Mỹ - ngụy; tạo vành đai an toàn, điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến về giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể kể đến những sự kiện lớn như: Chiến thắng và đánh gục Mỹ - ngụy ở Tổng kho Long Bình ngày 23-6-1966, bộ đội đặc công của ta đánh vào tổng kho, gây cho địch nhiều thiệt hại, hủy diệt hơn 40 ngàn quả đạn pháo các loại, mở đầu cho hàng loạt trận đánh sau này. Ngày 13-8-1972, Đoàn đặc công 113 đánh khu kho 53 Long Bình, đặt 108 khối thuốc nổ hẹn giờ, phá hủy 200 kho, 17 dãy nhà, tiêu hủy 15 ngàn tấn bom, đạn, xăng dầu, diệt hơn 300 tên lính, sĩ quan địch vào rạng sáng 14-8-1972…
Đó còn là trận đánh sân bay Biên Hòa ngày 31-10-1964 do Đoàn Pháo binh Miền phối hợp với lực lượng cách mạng Biên Hòa tập kích, gây cho Mỹ - ngụy nhiều thiệt hại nặng nề. Giới chức Mỹ cay đắng tức tối gọi thất bại này là “thảm họa sân bay Biên Hòa”…
Khen ngợi chiến công của quân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh CS đã viết 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu Trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.
Các chiến dịch lớn như Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972… đều có dấu ấn của các LLVT chiến đấu trên căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1.
* Trong thắng lợi của các LLVT do U1 lãnh đạo, ông đánh giá như thế nào về vai trò của bộ đội đặc công?
- Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Biên Hòa - Đồng Nai, chúng ta tự hào là nơi khởi nguồn của lối đánh đặc công. Trong đó, Chiến thắng La Ngà ngày 1-3-1948 chống sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp là mốc khởi đầu. Đến trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên (ngày 19-3-1948) đã khai sinh ra lối đánh đặc công và sau này trở thành Ngày truyền thống của bộ đội đặc công “chân trần, chí thép”.
Những trận đánh lớn của LLVT trên chiến trường Biên Hòa U1 đều có dấu ấn của bộ đội đặc công đã kể trên. Trong đó, Đoàn M13 (Binh chủng Đặc công ngày nay) còn ra đời tại ngã ba Bà Hào (khu vực Chiến khu Đ trên địa bàn H.Vĩnh Cửu ngày nay). Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, LLVT và bộ đội đặc công nói chung, Đoàn M13 đã đóng góp tích cực, nhất là trong giai đoạn ác liệt trên chiến trường U1, góp sức to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
* Xin cảm ơn ông!
Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, tháng 8-1969, Tỉnh ủy U1 tổ chức Đại hội tỉnh Đảng bộ tại căn cứ Bàu Sao (Bắc Trảng Bom) trong 3 ngày với gần 100 đại biểu tham dự. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Ban TVTU gồm có các đồng chí: Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Công An, Phó bí thư, Tỉnh đội trưởng.
Nguyệt Hà (thực hiện)