Căn cứ xác định tội danh của 2 cô giáo khiến bé 17 tháng tuổi tử vong

Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ ý chí, tính chất và mức độ hành vi, từ đó xác định An và Lành phạm tội cố ý gây thương tích hay giết người.

Sáng 23/2, cháu P.T.Đ. (17 tháng tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) được mẹ đưa tới lớp gửi trẻ của Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi). Theo lời khai, khoảng 9h, do bực tức vì Đ. khóc và không chịu vào phòng ngủ, Lành bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Lành và An sau đó tát, đạp vào bụng, ngực rồi đá và giẫm vào đầu cháu bé.

Sáng 26/2, thấy Đ. khóc, An dùng chân đạp vào bụng khiến bé trai bất tỉnh, phải đi cấp cứu. Tới ngày 2/3, nạn nhân tử vong. Kết quả khám nghiệm xác định Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu và phù não. Công an huyện Thường Tín đã tạm giữ 2 phụ nữ này để điều tra làm rõ sự việc.

Trường hợp này, những yếu tố nào cần làm rõ để xác định trách nhiệm pháp lý của An và Lành?

 Hai nghi phạm An và Lành. Ảnh: Công an cung cấp.

Hai nghi phạm An và Lành. Ảnh: Công an cung cấp.

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) đánh giá trong sự việc này, An và Lành đã có tác động gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bé trai. Để xác định trách nhiệm pháp lý của 2 cô giáo này, cơ quan chức năng cần củng cố hồ sơ, xác định những yếu tố then chốt trong sự việc như ý chí chủ quan; động cơ, mục đích thực hiện; mức độ, cường độ hay phương thức thực hiện hành vi. Ngoài ra, cần giám định chính xác việc bé Đ. bị chấn thương sọ não là hậu quả của hành vi ném cháu xuống đất, đạp vào đầu hay là hậu quả chung của một chuỗi hành vi theo lời khai.

Từ những căn cứ này, kết hợp lời khai ban đầu, luật sư nhìn nhận cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng tội Cố ý gây thương tích (Điều 134) hoặc Giết người (Điều 123) tại Bộ luật Hình sự 2015 đối với hai cô giáo này.

Về tội Cố ý gây thương tích cùng tình tiết định khung làm chết người, tội này có thể được áp dụng nếu người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nhằm mục đích gây tổn hại sức khỏe nạn nhân. Họ có thể thấy trước hành vi sẽ gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hành vi có thể gây hậu quả chết người. Việc nạn nhân tử vong nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

Về tội Giết người, đây là tội danh mà người thực hiện hành vi với ý chí chủ quan tước đoạt mạng sống người khác hoặc không có chủ ý, nhưng ý thức được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, song vẫn thực hiện hành vi nhằm đạt được mục đích của mình, để mặc hậu quả chết người xảy ra.

 Bên trong cơ sở trông giữ trẻ của An và Lành. Ảnh: Xuân Huy.

Bên trong cơ sở trông giữ trẻ của An và Lành. Ảnh: Xuân Huy.

Từng tham gia nhiều vụ án với vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) nhìn nhận từ kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. bị chấn thương sọ não, cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ mức độ thương tật từ hành vi của 2 cô giáo này. Đối với Lành là hành vi ném Đ. xuống đất khiến cháu đập đầu rồi tát cháu, còn với An là hành vi đạp vào bụng, ngực rồi đá và giẫm vào đầu cháu bé.

"Việc ném một cháu bé 17 tháng tuổi khiến cháu đập đầu, sau đó tấn công vào vùng trọng yếu là hành vi rất nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, có hành vi nguy hiểm nhưng may mắn chỉ gây trầy xước, chấn thương phần mềm cho nạn nhân. Do đó, cần giám định chính xác việc bé bị chấn thương sọ não là do đập đầu, do bị đánh hay là hệ quả của một chuỗi hành vi do các cô gây ra. Đây sẽ là căn cứ xác định chính xác trách nhiệm hình sự của An và Lành", ông Thắng bình luận.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ giám định để làm rõ trên người Đ. còn vết thương khác hay không. Nếu có vết thương nhưng không nghiêm trọng tới mức xử lý hình sự về tội Giết người hoặc Cố ý gây thương tích, thì tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 có thể được xem xét áp dụng.

Nói thêm về sự việc, luật sư cho biết nạn nhân thuộc đối tượng có sức khỏe yếu, không có khả năng chống trả và sẽ gặp nguy hiểm nếu bị tác động vật lý mạnh, đặc biệt vào vùng trọng yếu. Quá trình làm việc với cảnh sát, An và Lành có thể khai không có mục đích tước đoạt tính mạng bé trai. Tuy nhiên, với một người bình thường và đầy đủ năng lực hành vi, nguyên kiểm sát viên đánh giá 2 người này phải ý thức được mức độ nguy hiểm và hậu quả mà hành vi của mình có thể gây ra với cháu.

 Cơ sở trông trẻ của An và Lành. Ảnh: Xuân Huy.

Cơ sở trông trẻ của An và Lành. Ảnh: Xuân Huy.

Cùng quan điểm, luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cũng cho rằng cần đánh giá chính xác về tính chất, mức độ và hậu quả hành vi của 2 cô giáo này, bao gồm ném, tát, đạp vào bụng, ngực và giẫm vào đầu cháu. Trường hợp đủ căn cứ cho thấy An và Lành có đầy đủ nhận thức, ý thức được hậu quả của hành vi nguy hiểm mà mình gây ra và việc bé tử vong là hậu quả từ một chuỗi hành vi của 2 cô gây ra, tội Giết người có thể được áp dụng.

Với tình tiết định khung phạm tội với người dưới 16 tuổi, theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt có thể áp dụng là 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, luật sư cho rằng cần làm rõ 2 cô giáo có đủ điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập theo Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ hay không. Trường hợp không đủ điều kiện, mức xử phạt áp dụng là phạt tiền 7-10 triệu đồng, căn cứ Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-cu-xac-dinh-toi-danh-cua-2-co-giao-khien-be-17-thang-tuoi-tu-vong-post1408856.html